MENU

TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Bằng PAP SMEAR – Chuyên mục: Bác sĩ tư vấn về các bệnh sản phụ khoa thường gặp

Ths. Bs Lê Như Ngọc – Phòng khám Sản phụ khoa 28 Hải Phòng, TP Đà Nẵng (dịch).

  1. Xét nghiệm Pap là gì ?

Xét nghiệm Pap smear, hay còn được gọi là xét nghiệm Pap, là một xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung bao gồm thu thập các tế bào từ cổ tử cung – là nơi hẹp, nằm ở phần dưới của tử cung, nối tử cung với âm đạo

Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap giúp bạn có cơ hội chữa khỏi cao hơn. Xét nghiệm Pap cũng có thể phát hiện những thay đổi trong tế bào cổ tử cung, những tổn thương tiền ung thư. Phát hiện sớm các tế bào bất thường này bằng xét nghiệm Pap là bước đầu tiên trong việc ngăn chặn sự phát triển của các tổn thương tiền ung thư thành ung thư thật sự

  1. Tại sao nên làm xét nghiệm Pap?

Xét nghiệm Pap được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm Pap thường được thực hiện cùng với thăm khám phụ khoa. Đối với phụ nữ trên 30 tuổi, xét nghiệm Pap có thể được kết hợp với xét nghiệm tìm vi rút u nhú ở người (HPV) – nhiễm trùng lây qua đường tình dục hay gặp, là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung. Trong một số trường hợp, xét nghiệm HPV có thể được thực hiện thay vì xét nghiệm Pap smear.

  1. Ai nên làm xét nghiệm Pap?

Các bác sĩ khuyến cáo nên bắt đầu làm xét nghiệm Pap khi 21 tuổi.

  1. Bao lâu thì nên làm lại xét nghiệm Pap smear ?

Các bác sĩ khuyến cáo nên lặp lại xét nghiệm Pap mỗi 3 năm đối với phụ nữ từ 21 – 65 tuổi.

Phụ nữ sau 30 tuổi làm xét nghiệm Pap kết hợp với xét nghiệm HPV thì có thể thực hiện xét nghiệm tầm soát mỗi 5 năm. Hoặc có thể làm xét nghiệm HPV thay vì xét nghiệm Pap.

Nếu kèm các yếu tố nguy cơ nhất định, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm Pap thường xuyên hơn, bất kể tuổi tác. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Mắc ung thư cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap có tế bào tiền ung thư
  • Phơi nhiễm với diethylstilbestrol (DES) trước khi sinh
  • Nhiễm HIV
  • Suy giảm miễn dịch do ghép tạng, hóa trị hoặc sử dụng corticosteroid kéo dài
  • Hút thuốc lá
  1. Trường hợp nào có thể ngưng tầm soát bằng xét nghiệm Pap ?

Có một số trường hợp như:

Phẫu thuật cắt tử cung toàn phần – phẫu thuật cắt bỏ tử cung bao gồm cả cổ tử cung – cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn có cần tiếp tục xét nghiệm Pap smear hay không.

  • Nếu phẫu thuật cắt tử cung không phải do ung thư mà do các bệnh lý khác chẳng hạn như u xơ tử cung thì có thể ngừng xét nghiệm Pap smear.
  • Nếu cắt tử cung do tổn thương tiền ung thư hay ung thư cổ tử cung, nên tiếp tục xét nghiệm Pap định kỳ.

Lớn tuổi. Có thể ngừng xét nghiệm Pap định kỳ đối với phụ nữ trên 65 tuổi nếu các xét nghiệm ung thư cổ tử cung trước đó cho kết quả âm tính.

Nếu có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, nên tiếp tục xét nghiệm Pap.

  1. Nguy cơ

Xét nghiệm Pap là một phương pháp an toàn để tầm soát ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, kết quả của xét nghiệm Pap không phải lúc nào cũng rõ ràng. Xét nghiệm Pap có thể cho kết quả âm tính giả – nghĩa là xét nghiệm không có bất thường, mặc dù cổ tử cung có tế bào bất thường.

Kết quả âm tính giả không phải chi do lấy mẫu xét nghiệm sai, mà có thể do các yếu tố làm kết quả âm tính giả gồm:

  • Lấy mẫu xét nghiệm không đủ các tế bào cần thiết
  • Có quá ít các tế bào bất thường
  • Máu hoặc các tế bào viêm che lấp các tế bào bất thường

Ung thử cổ tử cung mất vài năm để tiến triển, nên nếu các tế bào bất thường không bị phát hiện trong 1 lần làm xét nghiệm thì những lần làm xét nghiệm Pap định kỳ tiếp theo có thể sẽ phát hiện ra.

  1. Cần chuẩn bị gì ?

Để đảm bảo rằng xét nghiệm Pap đạt hiệu quả tốt nhất, hãy làm theo những lời khuyên sau trước khi xét nghiệm:

  • Tránh giao hợp, thụt rửa hoặc sử dụng bất kỳ loại thuốc đặt âm đạo nào hay bọt, kem, chất diệt tinh trùng trong vòng hai ngày trước khi làm xét nghiệm Pap, vì chúng có thể rửa trôi hoặc che đi các tế bào bất thường.
  • Tránh làm xét nghiệm Pap khi đang có kinh
  1. Xét nghiệm Pap được thực hiện ra sao ?

Trong quá trình làm xét nghiệm

Xét nghiệm Pap được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ và chỉ mất vài phút.

Bạn sẽ nằm ngửa trên bàn khám với tư thế sản khoa : đầu gối gập, chân đặt lên 2 giá đỡ.

Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đưa một dụng cụ gọi là mỏ vịt vào âm đạo của bạn. Mỏ vịt giúp giữ các thành âm đạo tách rời nhau để có thể dễ dàng nhìn thấy quan sát cổ tử cung.

Sau đó, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào cổ tử cung bằng bàn chải mềm và spatula. Thao tác lấy mẫu thường không gây đau.

Sau khi làm xét nghiệm

Sau khi làm xét nghiệm, bạn có thể đi đứng bình thường ngay trong ngày.

Tùy thuộc vào loại xét nghiệm Pap, mẫu tế bào thu được từ cổ tử cung sẽ được cho vào một hộp chứa chất lỏng đặc biệt để bảo quản mẫu (xét nghiệm liquid Pap) hoặc phết lên lam kính (xét nghiệm Pap thường quy).

  1. Kết quả

Kết quả bình thường

Nếu chỉ có các tế bào cổ tử cung bình thường nghĩa là kết quả âm tính. Không cần điều trị hay làm thêm các xét nghiệm khác cho đến lần xét nghiệm Pap định kỳ và khám vùng chậu tiếp theo.

Kết quả bất thường

Nếu hiện diện các tế bào bất thường trên mẫu xét nghiệm Pap nghĩa là kết quả dương tính. Dương tính không có nghĩa là ung thư cổ tử cung. Kết quả dương tính có ý nghĩa thế nào phụ thuộc vào loại tế bào được phát hiện.

Một số thuật ngữ mà bác sĩ có thể sử dụng, và hướng xử trí tiếp theo

Tế bào vảy không điển hình ý nghĩa không xác định (ASCUS). Các tế bào vảy mỏng, phẳng và phát triển trên bề mặt của cổ tử cung bình thường. Trong trường hợp ASCUS, xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung cho thấy các tế bào vảy hơi bất thường, nhưng không gợi ý rõ ràng có tế bào tiền ung thư hay không.

Với xét nghiệm liquid-based Pap, bác sĩ sẽ kiểm tra lại mẫu để phát hiện virus u nhú ở người (HPV).

  • Nếu không có virus thì kết quả của xét nghiệm không đáng lo ngại.
  • Nếu có virus cần xét nghiệm kiểm tra thêm.

 Tổn thương nội biểu mô vảy (SIL). Những tổn thương này cho thấy thay đổi tế bào tiền ung thư

  • Biến đổi cấp độ thấp, điều đó có nghĩa là tổn thương tiền ung thư phải mất vài năm nữa mới trở thành ung thư.
  • Biến đổi cấp độ cao, tổn thương có thể phát triển thành ung thư sớm hơn. Cần làm thêm xét nghiệm để chẩn đoán.

Tế bào tuyến không điển hình (AGC). Tế bào tuyến sản xuất chất nhầy và phát triển trong kênh cổ tử cung và bên trong tử cung. Tế bào tuyến không điển hình là các tế bào bất thường, liên quan đến tiền ung thư và ung thư. Cần làm thêm xét nghiệm kiểm tra.

Ung thư tế bào vảy hay ung thư tế bào biểu mô tuyến. Kết quả này có nghĩa là các tế bào cổ tử cung bất thường gần như chắc chắn là ung thư.

Nếu kết quả xét nghiệm Pap bất thường, bác sĩ sẽ thực hiện soi cổ tử cung để kiểm tra các mô của cổ tử cung, âm đạo và âm hộ. Sau đó lấy mẫu mô (sinh thiết) ở những vị trí bất thường và gửi đến phòng xét nghiệm để làm giải phẫu bệnh và chẩn đoán xác định

Ths.Bs Lê Như Ngọc

  • Phòng khám Sản Phụ Khoa – Ths.Bs Lê Như Ngọc
  • 28 Hải Phòng – TP Đà Nẵng. ĐT : 0927599711
  • Fanpage : https://www.facebook.com/SanPhuKhoa.LeNhuNgoc
  • Nguồn : https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/pap-smear/about/pac-20394841

Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.

Tìm bác sĩ tại các Tỉnh – Thành phố

Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng … 

Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.

Trân trọng cảm ơn quý khách !

Admin: Nguyen Hai Quoc – Email: khamdinhkydanang@gmail.com

THINPREP PAP TEST

Ẩn quảng cáo