SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TRONG TAM CÁ NGUYỆT THỨ NHẤT
Chuyên mục: PHỤ NỮ 247
Ths.Bs Lê Như Ngọc – Phòng khám Sản Phụ khoa 28 Hải Phòng ĐN (Lược dịch)
Sự phát triển của thai nhi bắt đầu ngay sau khi thụ thai. Hãy cùng tìm hiểu xem em bé của bạn tăng trưởng và phát triển như thế nào trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Tuần 1 và 2: Chuẩn bị sẵn sàng
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng bạn không thực sự mang thai trong một hoặc hai tuần đầu tiên của thai kỳ.
Sự thụ thai thường xảy ra khoảng hai tuần sau ngày kinh chót của bạn. Ngày dự sinh sẽ tính từ ngày kinh chót. Điều này có nghĩa là chu kỳ kinh đó được tính là một phần của thai kỳ – mặc dù bạn chưa mang thai vào thời điểm đó.
Tuần 3: Thụ tinh
Tinh trùng và trứng gặp nhau tại ống dẫn trứng và tạo thành một hợp tử. Nếu bạn rụng nhiều hơn một trứng và được thụ tinh hoặc nếu trứng đã thụ tinh phân chia thành hai, thì bạn sẽ có nhiều hợp tử.
Hợp tử thường có 46 nhiễm sắc thể – 23 từ mẹ và 23 từ cha. Các nhiễm sắc thể này giúp xác định giới tính và các đặc điểm của đứa trẻ.
Ngay sau khi thụ tinh, hợp tử sẽ di chuyển xuống ống dẫn trứng và đi vào tử cung. Đồng thời, nó sẽ bắt đầu phân chia để tạo thành một khối tế bào giống như một quả mâm xôi nhỏ – gọi là phôi dâu.
Tuần 4: Làm tổ
Sau quá trình phân bào trên đường di chuyển đến tử cung, phôi nang được hình thành. Phôi nang sẽ hình thành chân giả và bám vào niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) – gọi là giai đoạn làm tổ.
Trong phôi nang, khối tế bào bên trong sẽ trở thành phôi thai. Lớp bên ngoài tạo ra một phần của nhau thai, chịu trách nhiệm nuôi dưỡng em bé của bạn trong suốt thai kỳ.
Tuần 5: Nồng độ hormone tăng dần
Tuần thứ 5 của thai kỳ, hoặc tuần thứ 3 sau khi thụ thai, nồng độ hormone HCG do phôi nang sản xuất nhanh chóng tăng lên. Điều này báo hiệu cho buồng trứng ngừng phóng thích trứng và sản xuất nhiều estrogen và progesterone hơn. Việc tăng nồng độ các hormone này thúc đẩy sự phát triển của nhau thai, đồng thời làm mất kinh nguyệt – thường là dấu hiệu đầu tiên của việc mang thai.
Phôi thai bây giờ được tạo thành từ ba lớp. Lớp ngoài cùng – thượng bì , sẽ hình thành lớp ngoài cùng của da, hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, mắt và tai trong của em bé.
Tim và hệ tuần hoàn bào thai hình thành từ lớp tế bào giữa – trung bì. Lớp tế bào này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành xương, dây chằng, thận và phần lớn hệ thống sinh sản của em bé.
Lớp tế bào trong cùng – lớp nội bì – là nơi sẽ phát triển thành phổi và ruột.
Tuần 6: Ống thần kinh khép lại
Sự phát triển của phôi thai trong tuần này diễn ra nhanh chóng. Chỉ bốn tuần sau khi thụ thai, ống thần kinh dọc theo lưng của bé sẽ khép lại. Não và tủy sống của em bé sẽ phát triển từ ống thần kinh. Tim và các cơ quan khác cũng đang bắt đầu hình thành và bắt đầu có nhịp tim.
Bắt đầu phát triển các cấu trúc cần thiết cho sự hình thành của mắt và tai. Những chồi nhỏ xuất hiện và sớm phát triển thành cánh tay. Cơ thể của thai nhi bắt đầu cong hình chữ C.
Tuần 7: Phát triển phần đầu
7 tuần sau khi mang thai, hoặc 5 tuần sau khi thụ thai, não và khuôn mặt của em bé bắt đầu hình thành.
Các chồi chi dưới sẽ trở thành chân và các chồi cánh tay phát triển vào tuần trước giờ có hình dạng như mái chèo.
Tuần 8: Hình thành mũi
8 tuần sau khi mang thai, hoặc 6 tuần sau khi thụ thai, các chồi ở chi dưới sẽ có hình dạng như mái chèo. Các ngón tay đã bắt đầu hình thành. Tai và mắt phát triển rõ ràng hơn. Môi trên và mũi đã hình thành. Thân và cổ bắt đầu thẳng.
Vào cuối tuần này, em bé của bạn có thể dài khoảng 1/2 inch (11 – 14 mm) từ đầu đến mông
Tuần 9: Ngón chân xuất hiện
Vào tuần thứ 9 của thai kỳ, hoặc 7 tuần sau khi thụ thai, cánh tay của bé phát triển và xuất hiện khuỷu tay. Các ngón chân có thể nhìn thấy và mí mắt hình thành.
Vào cuối tuần này, em bé của bạn có thể dài ít nhất 3/4 inch (16 – 18 mm) từ đầu đến mông
Tuần 10: Khuỷu tay của bé uốn cong
Vào tuần thứ 10 của thai kỳ, hoặc 8 tuần sau khi thụ thai, phần đầu của em bé đã trở nên tròn trịa hơn.
Em bé của bạn bây giờ có thể uốn cong khuỷu tay của mình. Ngón chân và ngón tay bị mất lớp màng và dài ra. Mí mắt và tai ngoài tiếp tục phát triển. Dây rốn hiện rõ.
Tuần 11: Phát triển bộ phận sinh dục
Vào đầu tuần thứ 11 của thai kỳ, hoặc tuần thứ 9 sau khi thụ thai, đầu của em bé vẫn chiếm khoảng một nửa chiều dài, phần thân phát triển nhanh chóng
Em bé của bạn bây giờ chính thức được mô tả là một bào thai. Tuần này, khuôn mặt của bé rộng ra, hai mắt tách rời nhau, mí mắt nhắm lại và tai thấp. Chồi cho những chiếc răng tương lai xuất hiện. Các tế bào hồng cầu bắt đầu hình thành trong gan của bé. Vào cuối tuần này, cơ quan sinh dục ngoài của bé sẽ bắt đầu phát triển thành dương vật hoặc âm vật và âm hộ.
Lúc này, em bé của bạn có chiều dài từ đầu đến mông khoảng 2 inch (50 mm)
Tuần 12: Hình thành móng tay
12 tuần sau khi mang thai, hoặc 10 tuần sau khi thụ thai, em bé của bạn dần mọc móng tay. Khuôn mặt của bé bây giờ đã phát triển rõ nét hơn. Ruột nằm trong khoang bụng.
Lúc này, em bé của bạn có thể dài khoảng 2 1/2 inch (61 mm) từ đầu đến mông
Ths.Bs Lê Như Ngọc
Phòng khám Sản Phụ Khoa – Ths.Bs Lê Như Ngọc
28 Hải Phòng – TP Đà Nẵng. ĐT : 0927599711
Fanpage : https://www.facebook.com/SanPhuKhoa.LeNhuNgoc
Nguồn https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/prenatal-care/art-20045302
Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.
Tìm bác sĩ tại các Tỉnh – Thành phố
Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng …
Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.
Trân trọng cảm ơn quý khách !
Admin: Nguyen Hai Quoc – Email: khamdinhkydanang@gmail.com