MENU

SƠ CỨU NGƯỜI BỊ BỎNG MẮT

SƠ CỨU NGƯỜI BỊ BỎNG MẮT

Burn eyes

Bài viết được đăng tải bởi: BỆNH VIỆN 199 BỘ CÔNG AN

Thông tin liên hệ: 

  • Địa chỉ: 216 Nguyễn Công Trứ – Quận Sơn Trà – TP Đà Nẵng
  • Hotline: 1900986868
  • Điện thoại: 02363 985 276
  • Email: lienhe@benhvien199.vn

Bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa. Trong nhiều trường hợp tổn thương rất nặng dù điều trị khẩn trương cũng không ngăn chặn được mù loà.

Theo thống kê của khoa Chấn thương bệnh viện mắt TW trong những năm gần đây bỏng mắt gặp nhiều ở nam giới (85%), thường gặp ở lứa tuổi lao động từ 18-55 tuổi (chiếm 49%), trẻ em và học sinh cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể là 30%. Trong đó 78% là những người sống ở nông thôn.

I. TÁC NHÂN GÂY BỎNG MẮT

Có nhiều loại tác nhân có thể gây tổn thương cho mắt:

  • Bỏng nhiệt 
  • Bỏng do bức xạ 
  • Bỏng hóa chất 
  1. Bỏng nhiệt: bỏng nóng, bỏng lạnh

Bỏng do hoả hoạn, do gang thép nóng chảy bắn vào mắt hoặc do nước sôi, dầu mỡ rán nóng, do yếu tố gây lạnh bắn vào mắt…

2. Bỏng do bức xạ 

Các loại tia bức xạ có thể gây bỏng mắt rất nặng, đặc biệt là những bức xạ ion hoá như tia gama, tia X, hoặc những tia mang năng lượng như tia laser. Tia cực tím cũng có thể gây bỏng mắt nhưng thường không nghiêm trọng. Tia hồng ngoại không gây bỏng mắt nhưng nếu tiếp xúc lâu ngày sẽ gây đục thể thuỷ tinh.

3. Bỏng hoá chất: acid, baser

Hoá chất là tác nhân gây bỏng thường gặp nhất và cũng là tác nhân gây bỏng nặng nề nhất. Chất gây bỏng có thể là axít như axít sulfuric H2SO4, axít clohydric HCl hay bazơ như xút ăn da NaOH, vôi Ca(OH)2. Ngoài ra một số dung môi hữu cơ cũng có thể gây bỏng mắt rất nặng như benzen C6H6, cồn ethylic C2H5OH, axeton…

II. ĐẶC ĐIỂM CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY BỎNG MẮT

  1. Bỏng nhiệt

Khi tác nhân có sức nóng như lửa, khói, nước sôi, dầu rán… tác động vào mắt, lập tức mi mắt sẽ nhắm lại để che chở cho nhãn cầu nên bỏng mắt thường nhẹ. Cần khám một cách hệ thống để đánh giá mức độ bỏng toàn thân. Điều trị toàn thân là chủ yếu, điều trị tại mắt chỉ là phối hợp. Tra mắt thuốc kháng sinh và những thuốc có tác dụng tăng cường dinh dưỡng.

2. Bỏng mắt do bức xạ

Có nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau.

2.1. Bỏng mắt do những bức xạ ion hoá

Có thể gặp bỏng mắt do tia gama, tia X ở những bệnh nhân được điều trị tia xạ những khối u vùng hàm mặt, ở những nạn nhân của những vụ nổ hạt nhân hoặc rò rỉ phóng xạ từ lò phản ứng của nhà máy điện nguyên tử.

Tổn thương mắt thường rất nặng. Giác mạc khô nhuyễn do các tế bào sinh trưởng, tái tạo giác mạc đều bị tia xạ tiêu diệt. Sau đó là tổn thương bội nhiễm gây hoại tử thủng giác mạc dẫn đến nhiễm trùng tổ chức nội nhãn. Cuối cùng thường phải bỏ nhãn cầu.

2.2. Bỏng mắt do tia laser

Tia laser ngày nay được áp dụng một cách rộng rãi trong sản xuất công nghiệp, trong quân sự và trong y học. Bản chất của laser là một chùm ánh sáng đơn sắc mang năng lượng (Light Aplification by Stimulated Emission of Radiation), nó có khả năng xuyên qua những môi trường trong suốt và những mô không có sắc tố. Khi đến lớp biểu mô sắc tố của võng mạc chùm tia laser bị hấp thụ, năng lượng ánh sáng (quang năng) chuyển thành nhiệt năng gây bỏng làm đông đặc protein trong tế bào và làm chết tế bào. Sau đó các tế bào xơ sẽ phát triển thay thế để lại tổ chức sẹo. Như vậy tia laser gây bỏng võng mạc không có khả năng phục hồi.

Khi ta nhìn lâu vào mặt trời, trong những dịp có nhật thực, mắt sẽ hấp thụ một lượng lớn những tia sáng mang năng lượng và hậu quả là sau đó bệnh nhân thấy mắt tối sầm, chảy nhiều nước mắt, khám võng mạc thấy vùng võng mạc trung tâm phù dày lên. Cuối cùng tổn thương để lại sẹo dẫn đến ám điểm trung tâm trong thị trường.

2.3. Bỏng mắt do tia cực tím (tia tử ngoại)

Tia cực tím có nhiều ở bãi biển, trên những ngọn núi tuyết, được phát ra từ ánh sáng hồ quang và thậm chí cả từ một vài loại đèn được sử dụng chiếu sáng sân khấu.

Sau khi tiếp xúc với một lượng lớn tia cực tím khoảng 2 – 6 giờ bệnh nhân thấy hai mắt đau nhức dữ dội, nước mắt chảy nhiều, cảm giác chói mắt, sợ ánh sáng không mở được mắt. Khám thấy mi mắt co quắp, giác mạc tổn thương nông, bắt màu fluorescein dày đặc nhưng không có tổn thương đáy mắt.

Xử trí bằng tra thuốc tê bề mặt 5 phút / 1lần cho đến khi bệnh nhân mở được mắt tự nhiên. Sau đó bằng kín mắt với thuốc mỡ kháng sinh cho mắt nghỉ ngơi, tránh những tiếp xúc cơ giới. Biểu mô giác mạc sẽ tái tạo hoàn toàn sau 24 giờ.

3. Bỏng mắt do hóa chất

3.1 Bỏng axit

Đặc điểm bỏng mắt do axit

  • Axit làm Protein đông lại thành chất Proteinat axit không tan.
  • Bỏng phá hủy nhanh nhưng hạn chế về chiều sâu
  • Bỏng không có xu hướng lan rộng
Mức độ nặng của bỏng axit

Mức độ bỏng nặng và lan rộng bề mặt phụ thuộc vào bản chất, độ đậm đặc và nồng độ pH của axít.

  • Những axít có pH < 2,5 – 3 sẽ hoại tử sâu.
  • Những axít có pH yếu (loãng) gây tổn thương chủ yếu lớp biểu mô hoặc  mô nhục giác mạc.

Axít kim loại gây bỏng nặng hơn axít hữu cơ và các anhydric hữu cơ.

  • Các axít kim loại như a.sulfric, a.nitric… là những axít mạnh có độ đậm đặc cao có thể phá huỷ toàn bộ giác mạc và các cấu trúc ngoài nhãn cầu.
  • Các anhydric acetic, maleic, succinic… gây độc cho giác mạc do nó có đặc tính xâm nhập vào giác mạc như kiềm.

3.2 Bỏng kiềm

Đặc điểm của bỏng kiềm

  • Là loại bỏng nặng
  • Lan rộng và phá huỷ sâu gây những biến chứng nặng nề
  • Khó tiên lượng.

Cơ chế hoá học của bỏng kiềm khá phức tạp và thể hiện bằng những phản ứng chính sau:

  • Tạo thành các proteinat bazơ, gây xà phòng hoá làm phá huỷ hàng rào biểu mô giúp cho chất bazơ thấm sâu vào tổ chức.
  • Rút nước từ các tế bào làm tăng khả năng hoại tử của tế bào

Đặc biệt, bỏng vôi sống dưới dạng bột hay vôi cục khi vào mắt gặp nước sẽ trở thành vôi tôi và tỏa nhiệt làm cho mắt bị bỏng nặng và liên tục. Chất bazơ gây ra nhiều tiết rử, hoại tử kết mạc rộng và sâu sau này sẽ gây dính cùng đồ.

Sinh lý bệnh

Các mạch máu bị tắc, vô mạch làm cho các tổn thương khó hồi phục

Hóa chất có thể gây nên một số phản ứng hóa học như: Thay đổi pH, phá hủy các protein, tê liệt các men chuyển hóa, hạ thấp chuyển hóa oxy.

Làm hỏng vùng rìa là nơi có tế bào nguồn

Phân loại độ bỏng do kiềm
 

Độ

Biểu hiện ở mi

Biểu hiện ở kết mạc và củng mạc

Biểu hiện ở giác mạc

I

Cương tụ da

Cương tụ kết mạc

Trợt biểu mô nông

II

Bọng nước

Màng giả (thiếu máu kết mạc)

Đục nông, vẫn thấy rõ hình ảnh mống mắt

III

Hoại tử da

Hoại tử kết mạc một phần

Đục sâu không hoàn toàn (như kính mờ)

IV

Hoại tử dưới da và sụn

Hoại tử kết mạc và củng mạc

Đục sâu hoàn toàn (màu trắng sứ)

Phân loại độ bỏng (H.S.Dua 2001)

 

Độ bỏng

Tiên lượng

Tổn thương vùng rìa

Tổn thương kết mạc

Thang điểm

1

Rất tốt

0 cung giờ

0%

0/0%

2

Tốt

 3 cung giờ

 30%

0,1-3/1%-29,9%

3

Tốt

>3 đến 6 cung giờ

>30%-50%

3,1-6/31%-50%

4

Tốt đến dè dặt

>6-9 cung giờ

>50%-75%

6,1-9/50,1%-75%

5

Dè dặt đến nặng

>9-12 cung giờ

>75%-<100%

9,1-11.9/75,1%-99,9%

6

Nặng

Toàn bộ chu vi vùng rìa

Toàn bộ kết mạc

12/100%

Lâm sàng
Bỏng nhẹ
  • Mi mắt không bị tổn thương.
  • Kết mạc có thể gặp: cương tụ, phù kết mạc, chấm xuất huyết xung quanh rìa, xuất huyết dưới kết mạc. Không có dấu hiệu hoại tử kết mạc.
  • Giác mạc: có thể mờ đục nhẹ, có thể xước biểu mô giác mạc, lớp mô nhục không bị tổn thương.
Bỏng nặng
  • Da mi mắt bỏng, đặc biệt bờ mi, có thể điểm lệ cũng bị tổn thương.
  • Thiếu máu kết mạc: kết mạc trắng, dầy.
  • Giác mạc mờ đục, dầy nên không thấy mống mắc, thể thuỷ tinh.
  • Có phản ứng với màng bồ đào: tyndal (+), dính mống mắt, có thể tăng nhãn áp.
Khám đánh giá các tổn thương bỏng mắt do kiềm
  • Mức độ thiếu máu kết mạc (test amsler)
  • Tình trạng giác mạc và cảm giác của giác mạc: mất biểu mô, phù nhu mô, mức độ đục giác mạc và mất cảm giác.
  • Tình trạng tiền phòng: nếu có viêm mống mắt thể mi cần điều trị đề phòng đục thể thể thuỷ tinh và tăng nhãn áp.

III. PHÂN LOẠI BỎNG

  1. Theo mức độ tổn thương kết giác mạc

Độ 1, mức độ nhẹ: kết mạc cương tụ, giác mạc tổn thương biểu mô dạng chấm nông. Mức độ này gặp sau những tai nạn do những hoá chất loãng. Thường gặp trong sinh hoạt do dấm, ớt, chanh hoặc do xà phòng bắn vào mắt.

Độ 2, mức độ trung bình: phù kết mạc, trợt biểu mô giác mạc rộng. Mức độ này hay gặp sau những tai nạn trong nông nghiệp do nhựa cây, thuốc sâu hoặc do nọc độc của một số loài côn trùng hay bò sát… bắn vào mắt.

Độ 3, mức độ nặng: phù và xuất huyết kết mạc, giác mạc phù đục. Mức độ này hay gặp trong xây dựng do vôi đã tôi và trong sản xuất công nghiệp có dùng hoá chất.

Độ 4, đặc biệt nặng: kết mạc hoại tử, giác mạc đục trắng như sứ. Bỏng mức độ này thường do vôi chưa tôi, do xút ăn da đặc hoặc do bị tạt axít.

2. Theo tác nhân gây bỏng

  • Bỏng do nhiệt.
  • Bỏng do bức xạ.
  • Bỏng hoá chất.

IV. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

  1. Tiến triển

Tiến triển tuỳ từng loại tác nhân gây bỏng. Axít là chất có tính oxy hoá cao, khả năng ăn mòn mạnh nên tổn thương thường rất rộng, tuy nhiên axít lại có đặc tính làm đông vón protein tạo nên bức tường bảo vệ không cho hoá chất thấm vào sâu tạo nên tổn thương tối đa ngay từ đầu. Với chất bazơ thì ngược lại, khả năng ăn mòn của bazơ không cao nên có những vị trí chất bazơ không phá huỷ được lớp biểu bì ở ngoài da nên không gây bỏng cho mi mắt vì vậy tổn thương do bazơ thường không rộng như do axít. Nhưng một khi đã vào trong mắt chất bazơ sẽ dễ dàng phá vỡ lớp biểu mô của kết mạc và giác mạc vì lớp này không chắc chắn như biểu bì của da mi. Sau đó chất bazơ tiếp tục ngấm qua giác mạc gây những tổn thương trong tiền phòng, thể thuỷ tinh, dịch kính và cả võng mạc. Tổn thương này vẫn cứ tiếp tục xảy ra trong những ngày tiếp theo rất khó tiên lượng.

Bỏng nhẹ thị lực có thể hồi phục hoàn toàn hay gần như hoàn toàn. Bỏng nặng sự hồi phục chậm và kém hơn, để lại nhiều biến chứng, di chứng.

2. Biến chứng của bỏng mắt

  • Thủng giác mạc: do hoá chất ăn mòn.
  • Viêm màng bồ đào: thường gặp sau bỏng do chất kiềm.
  • Tăng nhãn áp thứ phát: rất khó điều trị vì kết mạc bị bỏng xơ hoá không tạo được sẹo bọng sau phẫu thuật lỗ rò.
  • Đục thể thủy tinh: mổ lấy thể thuỷ tinh khi mắt đã hoàn toàn yên ổn và nếu tiên lượng có thể cải thiện thị lực.

3. Di chứng của bỏng mắt

Bỏng mắt để lại nhiều di chứng rất phức tạp, nhiều khi không thể khắc phục được:

  • Mi mắt: sẹo co kéo gây lộn mi, lông quặm, lông xiêu đòi hỏi phải phẫu thuật.
  • Lệ đạo: tắc lệ đạo.
  • Dính mi-cầu: hình thành cầu xơ dính chặt kết mạc nhãn cầu với kết mạc mi làm cho cả mi mắt và nhãn cầu đều không cử động được.
  • Sẹo giác mạc: làm giảm hoặc mất thị lực. Có thể ghép giác mạc về sau nếu điều kiện cho phép.
  • Tân mạch giác mạc: mạch máu vùng rìa cùng những tế bào xơ và tế bào biểu mô của kết mạc xâm nhập vào giác mạc làm giác mạc mờ đục và biến dạng.
  • Khô mắt: do tổn thương các tuyến lệ phụ.
  • Teo nhãn cầu: là hậu quả cuối cùng. Nếu nhãn cầu đã teo nhưng vẫn kích thích, đau nhức kéo dài thì có chỉ định bỏ mắt.

V. CÁC BƯỚC SƠ CỨU CƠ BẢN KHI BỊ BỎNG MẮT

          Tiên lượng của mắt bị bỏng phụ thuộc vào sơ cứu, cấp cứu ở những giây phút ban đầu sau bị bỏng. Do đó, việc xử trí cấp cứu ở nơi xảy ra tai nạn là điều cần được hiểu rõ. hướng dẫn cho cộng đồng. Việc đầu tiên loại trừ tác nhân gây bỏng ra khỏi mắt bằng cách rửa mắt với nhiều nước và kéo dài bằng huyết thanh sinh lý, nước sạch. Trong điều kiện không có nước sạch thì phải chấp nhận nước không sạch: nước ao, hồ, ruộng….

Tác dụng của việc rửa mắt không chỉ loại trừ tác nhân gây bỏng ra khỏi mắt mà còn giảm nồng độ của hóa chất gây bỏng, kiểm kê được tổn thương, hạn chế các di chứng về sau.

Để rửa mắt đúng cách, người bị bỏng ngâm mặt –  mắt xuống nước và cố gắng chớp mắt thật nhiều lần trong nước để nước lưu thông toàn bộ bề mặt mắt.

Những người khác có thể giúp người bị bỏng mắt rửa mắt bằng cách dùng vòi, gáo, xô, chậu… để đổ nước vào trong mắt bệnh nhân trong tư thế nằm ngửa, mắt mở chủ động hoặc người khác phải vành mi giúp.

Lượng nước rửa ít nhất là vài lít, thời gian rửa ít nhất từ 10 – 15 phút.

Tuyệt đối không được rửa mắt bằng dung dịch trung hòa axit bằng bazơ khiến tình trạng bỏng càng nặng hơn.

Việc rửa mắt tại nơi xảy ra tai nạn là biện pháp đơn giản giúp tác nhân gây bỏng không còn lại ở bề mặt nhãn cầu và các túi cùng kết mạc để xâm nhập vào các tổ chức bên trong mắt, bảo tồn chức năng sinh lý của mắt. Cách sơ cứu này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị bỏng mắt.

Khi chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế chống chỉ định băng mắt mà chỉ che mắt. Đối với những trường hợp bỏng do vôi, cần gắp vôi cục ra khỏi mắt trước khi rửa.

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được rửa mắt bằng các dung dịch đặc biệt nhằm đảm bảo không còn hóa chất kết dư trong mắt. Khi đưa bệnh nhân tới viện, người nhà nên mang theo chai lọ và nhãn mác dung dịch, hóa chất gây chấn thương đến bệnh viện để bác sĩ nhận biết nhanh được loại hóa chất gây bỏng để có hướng xử trí nhanh nhất, chính xác và hiệu quả nhất.

VI. ĐIỀU TRỊ BỎNG MẮT

  1. Nguyên tắc điều trị
  • Sau khi sơ cứu, bệnh nhân được đo pH mắt ngay lập tức. Nếu pH chưa trung tính cần tiếp tục rửa mắt bằng dung dịch đẳng trương đến khi pH = 7. Nếu tổn thương đã ngấm sâu có thể rửa mắt liên tục bằng cách nhỏ giọt vào mắt qua hệ thống dây truyền, đồng thời phải tiến hành rửa sạch lệ đạo tránh viêm dính về sau.
  • Chống viêm: phản ứng viêm ở mắt làm tăng lượng men phá hủy collagen dẫn đến nhăn giác mạc, vì vậy cần được kiểm soát sớm. Thuốc chống viêm thường dùng nhất là Costicoid toàn thân và tại chỗ, đặc biệt trong 10 ngày đầu. Sau đó cần được thay thế bằng non-steroid, atropin 1% cũng góp phần giảm đau, chống viêm, chống dính mi
  • Chống hoại tử giác mạc: thường xảy ra từ 7 đến 21 ngày sau bỏng do các men phân hủy protein, vì vậy cần có biện pháp ức chế men này. Dùng thuốc toàn thân hoặc tại chỗ.
  • Chống nhiễm khuẩn: Khử sạch toàn thân và tại chỗ. Đặc biệt Tetracyclin vừa có tác dụng kháng khuẩn vừa có tác dụng ức chế men collagenase
  • Phòng dính mi cầu bằng cách tra mỡ kháng sinh vào cùng đồ trên và dưới, day nhiều lần trong ngày hoặc đặt khuôn chống dính vào ngày thứ 2 – 3 sau bỏng. Tuy nhiên ở nhiễm bỏng nặng đặc biệt, người ta chấp nhận dính mi cầu để tăng nguồn nuôi dưỡng cho bán phần trước.
  • Tăng cường dinh dưỡng kết giác mạc bằng cách tra mắt với chế phẩm có chứa vitamin nhóm A, B, C hoặc tiêm huyết thanh tự thân dưới kết mạc. Tăng cường khẩu phần ăn giàu protein và vitamin, uống nhiều nước để thải trừ độc. Một số trường hợp có thể khâu co mi tạm thời.

Có thể dùng thuốc giảm đau và an thần theo đường tại chỗ và toàn thân cùng các liệu pháp tâm lý, an ủi, động viên bệnh nhân.

Trong những trường hợp bị bỏng nặng có thể được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

2. Điều trị biến chứng và di chứng bỏng mắt

2.1 Biến chứng

Tăng nhãn áp: phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, nên phối hợp với áp thuốc chống chuyển hoá. Nếu không kết quả có thể quang đông thể mi bằng laser diode bước sóng 810 nm.

Đục thể thủy tinh: lấy thể thuỷ tinh ngoài bao và lắp thể thuỷ tinh nhân tạo nếu điều kiện cho phép.

Thủng giác mạc: khâu phủ kết mạc hoặc ghép giác mạc. Nếu mắt mất chức năng có thể phải phẫu thuật múc nội nhãn.

Viêm màng bồ đào: dùng corticosteroide và atropin.

2.2 Di chứng

-Quặm mi: phẫu thuật Sapecko, lấy niêm mạc môi vá vào bờ mi.

-Dính mi cầu: tách dính mi cầu, vá màng rau thai hoặc vá niêm mạc môi.

-Tắc lệ đạo: nối thông lệ mũi, phẫu thuật Dupuy-Dutemps

-Sẹo giác mạc: ghép giác mạc nếu điều kiện cho phép.

-Khô mắt: tra nước mắt nhân tạo lâu dài

2.3 Phòng bệnh

Giáo dục ý thức đề phòng bỏng mắt cho tất cả mọi người, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh và công nhân. Tuyên truyền về các tác nhân gây bỏng, cách bảo vệ mình và mọi người, cách xử trí khi đã xảy ra tai nạn….

Cải thiện điều kiện lao động và tăng cường bảo hộ lao động cho công nhân và nông dân.

Phải xử trí và sơ cứu đúng và kịp thời, sau đó chuyển tới chuyên khoa mắt.

Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.

Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng … 

Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.

Trân trọng cảm ơn quý khách !

Admin: Nguyen Hai Quoc – Email: khamdinhkydanang@gmail.com

PHẪU THUẬT PHACO TRONG ĐIỀU TRỊ ĐỤC THUỶ TINH THỂ

Phaco surgical to treat cataracts

Ẩn quảng cáo