Nấm da hay còn gọi là hắc lào thường gặp nhiều ở các nước nhiệt đới nóng ẩm, môi trường ô nhiễm.
Triệu chứng của bệnh là gì ?
Triệu chứng thường gặp nhất là mảng hồng ban hình tròn hay bầu dục, hình đa cung. Giới hạn tổn thương rõ, rìa tổn thương có mụn nước, xu hướng lành ở trung tâm và lan rộng ra phía ngoại vi. Ngứa nhiều, nhất là khi ra nắng hay đổ mồ hôi nhiều.
Các loại nấm da thường gặp:
Nấm da mặt; nấm thân; nấm bẹn và nấm chân.
Bệnh nấm da đùi: là bệnh nấm da thường xuất hiện ở mặt trong của đùi. Bệnh nấm da đùi thường gây ra tình trạng đau nhức và ngứa nặng, thường kèm theo chứng phát ban đỏ, các mảng nấm có hình vòng có khả năng lan ra vùng nếp gấp của cơ thể. Vùng da phát ban thường có xuất hiện tình trạng sưng u và màu da khác với màu da của những vùng xung quanh.
Bệnh nấm da chân: là một loại bệnh nấm da thường xuất hiện ở vùng kẽ ngón và mặt mu bàn chân. Bệnh nấm da chân thường gây ra tình trạng ngứa, phát ban, tróc vảy, da chết, nóng rát, phồng da nhẹ, và có mùi mốc hoặc khó chịu. Lớp da khô có thể bị tróc hoặc nứt nẻ. Tình trạng ngứa thường nặng nhất ở vùng kẽ ngón chân.
Bệnh nấm da đầu: có các triệu chứng ban đầu là nổi mẫn đỏ và sưng tấy ở da đầu, sau đó là rụng tóc. Phần tóc bị nhiễm bệnh thường trở nên yếu và dễ rụng. Có thể xuất hiện các mụn mủ kết thành dạng tổ ong, hoặc các vùng da bị tổn thương bị phồng rộp, có chứa mủ, kích thước nhỏ. Một số người có thể bị sưng hoặc hoại tử da, kèm theo tình trạng chảy nước. Bệnh nấm da nặng có thể gây sốt và gây ra viêm hạch bạch huyết.
Bệnh nấm da đa sắc: thường không có dấu hiệu, nhưng một số người cảm thấy ngứa nhẹ và đổ mồ hôi nhiều hơn. Vùng nhiễm nấm có thể có nhiều màu sắc khác nhau và kèm theo những vết đốm nhỏ, màu trắng hồng hoặc màu nâu sậm có vảy và có bờ viền rõ. Bệnh thường xảy ra ở vùng cánh tay trên, ngực, lưng, cổ và đôi khi ở mặt. Da màu sáng có thể cho thấy các vết đốm có màu nhạt hoặc nâu hồng, nhưng da màu sậm có thể cho thấy các vết đốm màu sáng hoặc đậm. Vùng da bị nhiễm bệnh thường không sạm nắng một cách bình thường.
Các trường hợp dễ bị nhiễm bệnh nấm da:
Những người thường hay sinh hoạt, làm việc ở những nơi nóng, ẩm ướt như hồ bơi và phòng thay đồ công cộng.
Những người thường dùng chung vật dụng cá nhân của những người khác như khăn tắm, quần áo hoặc các vật dụng thể thao.
Những người thường hay tiếp xúc với động vật hoặc vật nuôi bị nhiễm nấm da.
Các phương pháp điều trị bệnh nấm da:
Đối với các trường hợp nhẹ, có thể sử dụng các loại kem, thuốc mỡ bôi da không kê toa. Tuy nhiên, người bệnh nên dùng các loại kem trị nấm kê toa được chỉ định bởi bác sĩ da liễu. Nên tiếp tục điều trị nấm da bằng các loại thuốc này trong 7 ngày tiếp theo kể từ ngày vùng da bị nhiễm bệnh đã được chữa khỏi. Bác sĩ cũng có thể chỉ định kê đơn kem trị nấm để thoa lên vùng da bị nhiễm bệnh hoặc các loại thuốc uống trị nấm cho các trường hợp nghiêm trọng hơn. Để điều trị dứt điểm phải bôi thuốc liên tục 4 tuần từ khi được chẩn đoán xác định.
Các lưu ý trong quá trình điều trị bệnh nấm da:
Thoa thuốc theo đúng như chỉ định.
Cần giữ vệ sinh sạch sẽ. Tắm gội hằng ngày.
Giữ cho vùng da bị nhiễm nấm được sạch sẽ và khô ráo.
Không gãi hoặc cọ xát ở những vùng bị nhiễm bệnh.
Không dùng chung các vật dụng cá nhân của người khác.