MENU

DINH DƯỠNG TRONG THAI KỲ

DINH DƯỠNG TRONG THAI KỲ

Nutrition during pregnancy

Chuyên mục: BÁC SĨ SẢN KHOA TƯ VẤN SỨC KHỎE SINH SẢN

Ăn uống lành mạnh trong thai kỳ là gì ?

  • Bữa ăn phải có các thực phẩm giàu tinh bột, như: khoai tây, bánh mì, gạo, mỳ ống và các loại ngũ cốc nguyên hạt (ngũ cốc nguyên cám). Những thực phẩm này thỏa mãn nhu cầu hằng ngày mà không chứa quá nhiều calo
  • Ăn ít nhất 5 khẩu phần trái cây và rau quả khác nhau mỗi ngày. Khoai tây không được tính trong 5 khẩu phần này. Và nước ép trái cây nguyên chất chỉ được tính như 1 trong 5 khẩu phần hằng ngày, bất kể bạn uống lượng nhiều hay ít.
  • Ăn một chế độ ăn ít chất béo và không làm tăng lượng calo mỗi ngày. Ăn càng ít thực phẩm chiên càng tốt, tránh sử dụng đồ uống nhiều đường và các loại thức ăn ngọt, bánh ngọt và bánh quy có nhiều chất béo hoặc đường
  • Thay vào đó, hãy ăn thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch, đậu, đậu lăng, ngũ cốc và các loại hạt, cũng như bánh mì nguyên hạt, gạo nâu và mì ống nguyên cám.
  • Ăn đủ đạm mỗi ngày: chọn thịt nạc, và cố gắng ăn 2 khẩu phần cá/ tuần. Đậu lăng, đậu và đậu phụ cũng là một nguồn thực phẩm giàu đạm.
  • Bổ sung thực phẩm chứa canxi nhưng ít béo như sữa tách kem hay sữa chua ít béo.
  • Cần theo dõi lượng thức ăn trong bữa ăn chính, bữa ăn nhẹ và chú ý cả số lần ăn trong ngày. Nên nhớ, không phải là “ăn cho 2 người”
  • Luôn ăn sang mỗi ngày
  • Giới hạn lượng caffeine  ở mức 200 miligam (mg) mỗi ngày

Hầu hết phụ nữ mang thai không cần thêm calo trong sáu tháng đầu của thai kỳ. Trong 12 tuần cuối bạn cần ăn nhiều hơn một chút, và chỉ cần tăng thêm 200 calo mỗi ngày

Cân nặng “chuẩn” ?

Cân nặng chuẩn là dựa vào chỉ số BMI. Chỉ số BMI khỏe mạnh là trên 18,5 và dưới 25. Thừa cân khi mang thai sẽ đem lại nhiều nguy cơ cho bạn lẫn thai nhi. Càng thừa cân, nguy cơ càng nhiều. Ngược lại, thiếu cân cũng làm thai nhi kém phát triển.

Ăn kiêng trong lúc mang thai có an toàn không?

Cố giảm cân bằng cách ăn kiêng khi mang thai không được khuyến khích vì nó có thể gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi

Ăn cá trong thai kỳ có an toàn không ?

Nhìn chung, cá là thức ăn tốt khi mang thai, nhưng không nên ăn quá hai khẩu phần cá có dầu một tuần (cá thu, cá hồi,…). Vì trong cá có dầu chứa thủy ngân có thể gây ảnh hưởng phát triển của thai.

Vì sao không nên ăn gan trong lúc mang thai?

Gan có thể chứa hàm lượng vitamin A cao, với liều lượng cao có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống thần kinh của thai. Vì vậy, nên tránh ăn các thực phẩm như gan và các sản phẩm từ gan như pa-tê.

Ăn đậu phộng khi đang mang thai hoặc đang cho con bú có an toàn không?

Bạn có thể ăn đậu phộng hoặc thực phẩm có chứa đậu phộng (như bơ đậu phộng) trong khi mang thai hoặc cho con bú. Việc ăn đậu phộng khi mang thai không làm tăng nguy cơ em bé sinh ra sẽ bị dị ứng đậu phộng sau này.

Làm thế nào để giảm nguy cơ nhiễm trùng từ thực phẩm ?

Bạn có thể nhiễm 1 số vi khuẩn, chẳng hạn như listeria, salmonella hoặc toxoplasmosis, từ thực phẩm bị ô nhiễm. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến cho thai nhi.

Để giảm nguy cơ nhiễm Listeria :

  • Uống sữa tiệt trùng hoặc sữa UHT
  • Tránh ăn pa-tê
  • Tránh ăn thức ăn chưa được nấu chín

Để giảm nguy cơ nhiễm Salmonella :

  • Tránh ăn trứng sống hoặc chín một phần hay các thực phẩm chứa chúng, như một số loại mayonnaise hoặc mousses.
  • Tránh ăn thịt sống hoặc chín một phần, đặc biệt là thịt gia cầm và động vật có vỏ.

Để giảm nguy cơ nhiễm Toxoplasmosis:

  • Luôn rửa tay trước và sau khi xử lý thực phẩm
  • Rửa tất cả các loại trái cây và rau quả, bao gồm cả salad trộn sẵn
  • Nấu chín thịt sống và thịt ướp lạnh.
  • Đeo găng tay và rửa tay kỹ sau khi làm vườn hoặc xử lý đất
  • Tránh tiếp xúc với phân mèo (trong phân mèo hoặc trong đất); nếu bạn phải xử lý nó, hãy đeo găng tay cao su.

Có cần bổ sung vitamin trong thai kỳ

Vitamin rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Có 13 loại vitamin quan trọng: vitamin A, C, D, E, K và các vitamin B. Ngoài vitamin D, chúng ta nhận được từ ánh sáng mặt trời, thì hầu hết các vitamin đều từ chế độ ăn uống.

Các vitamin được khuyến cáo trong thai kỳ :

  • Acid folic: là một trong những vitamin B, giúp giảm nguy cơ em bé bị tật nứt đốt sống. Bổ sung acid folic cũng có thể làm giảm nguy cơ dị tật tim, dị tật chi và một số khối u não ở trẻ nhỏ.

Liều khuyến cáo mỗi ngày là 400 microgram

Tốt nhất, acid folic nên được bắt đầu trước khi có thai, và dùng kéo dài đến tuần thứ 13 của thai kỳ.

  • Vitamin D : tất cả phụ nữ có thai và cho con bú đều được khuyến cáo bổ sung Vitamin D mỗi ngày, liều khuyến cáo là 10 microgram. Việc bổ sung có thể cải thiện sự tăng trưởng của con bạn trong năm đầu tiên và làm giảm nguy cơ còi xương ở trẻ
  • Khi nào cần bổ sung Vitamin K trong thai kỳ

Không cần bổ sung vitamin K trong khi mang thai trừ khi em bé có nguy cơ chảy máu, do mẹ đang dùng một số thuốc điều trị động kinh hoặc mẹ bị bệnh gan khi đang mang thai.

Các Vitamin không được khuyến cáo trong thai kỳ :

  • Vitamin A : Vitamin A liều cao có thể gây tổn hại đến hệ thần kinh của thai nhi.
  • Vitamin E : hiện tại không có bằng chứng để khuyến nghị bổ sung vitamin E trong thai kỳ
  • Vitamin B ( ngoại trừ acid folic) : không khuyến cáo

ThS.BS Lê Như Ngọc

Nguồn : RCOG https://www.rcog.org.uk/globalassets/documents/patients/patient-information-leaflets/pregnancy/pi-healthy-eating-and-vitamin-supplements-in-pregnancy.pdf

Phòng khám Sản Phụ Khoa – Ths.Bs Lê Như Ngọc

28 Hải Phòng – TP Đà Nẵng. ĐT : 0927599711

MỐI LIÊN QUAN GIỮA QUAN HỆ TÌNH DỤC SỚM VÀ UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.

Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng … 

Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.

Trân trọng cảm ơn quý khách !

Admin: Nguyen Hai Quoc – Email: khamdinhkydanang@gmail.com

THEO DÕI THAI KỲMonitoring pregnancy

Ẩn quảng cáo