Từ 0 đến 6 tháng: Trẻ bắt đầu chăm chú nhìn vào người nói chuyện. Quay đầu về phía có tiếng động phát ra. Phân biệt được các tiếng động khác nhau phát ra từ các vị trí khác nhau. Khóc, đòi, cười, tạo âm gừ gừ, a à để phản ứng với giao tiếp, bày tỏ cảm xúc.Tạo được các âm cách tự nhiên m, b không rõ và biết phun mưa.
Từ 6 đến 9 tháng: Bập bẹ baba, mama, dada không có nghĩa. Kết hợp được phụ âm và nguyên âm. Đưa tay đòi ẵm, bắt chước bye, yeah, hết rồi. Phát âm khi chơi hoặc muốn gây chú ý.
Từ 9 đến 12 tháng: Bập bẹ âm dài, âm ngắn. Sử dụng âm thanh không phải lời nói để gây chú ý. Bắt chước lời baba, mama, dada. Cuối tháng 12 bắt đầu xuất hiện từ đơn đầu tiên: ba, ma, biết chỉ ngón trỏ.
12 – 18 tháng : Lắc đầu nói “không” kết hợp với âm với cử chỉ. Sử dụng 10 -20 từ tự phát. Bắt chước từ, yêu cầu nhiều hơn. Hỏi “ cái gì đây?, đâu?” .
18 – 24 tháng: Sử dụng từ thường xuyên, bắt chước nói 3 từ 1 lúc. Sử dụng 50-100 từ. Đề cập đến tên mình, đặt câu hỏi có/không. Xuất hiện vài đại từ xưng hô.
24 – 36 tháng: Yêu cầu giúp với nhu cầu cá nhân . Sử dụng động từ, nói câu 3-4 từ. Gọi tên được 1màu sắc, đáp ứng với lời chào. Sử dụng vài giới từ. Sử dụng khoảng 500-900 từ khi được 3 tuổi.
3-6 tuổi: Ở giai đoạn này, các lỗi cơ bản về cách phát âm, ngữ pháp, cách sử dụng từ ngữ sẽ được trẻ tự khắc phục, loại bỏ dần dần. Trẻ dễ dàng nói được các câu có năm-sáu từ. Đến 5 tuổi, trẻ có thể đã có khoảng 5.000 từ.
Những báo động đỏ trẻ chậm nói cần lưu ý:
Không cười tươi hay có cách biểu cảm nồng nhiệt ở 6 tháng tuổi hoặc lớn hơn.
Không trao đổi qua lại về âm thanh, nụ cười hay biểu cảm trên gương mặt với người đối diện ở 9 tháng tuổi hoặc lớn hơn.
12 tháng vẫn chưa bập bẹ
16 tháng chưa nói được từ đơn nào
24 tháng vẫn chưa nói được cụm 2 từ có nghĩa( không phải do bắt chước hay nhại lời) không chú ý đến người khác, không biểu lộ quan tâm đến trẻ khác, không biết bắt chước.
Bất kì dấu hiệu mất tiếng nói hay bập bẹ, hay kỹ năng xã hội ở bất kì lứa tuổi nào.
Nguyên nhân của chậm nói :
Chậm nói ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số trường hợp, trẻ chậm nói là do tạm thời và có thể khắc phục dưới sự hỗ trợ và quan tâm của bố mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vài nguyên nhân do bệnh lý hoặc tâm lý khiến cho bé chậm nói so với bình thường:
Giảm thính lực.
Khuyết tật học tập
Chậm phát triển trí tuệ
Sự thiếu thốn môi trường quá mức
Trẻ sinh non có thể bị rất nhiều loại chậm phát triển bao gồm cả vấn đề Ngôn ngữ/ lời nói.
Rối loạn xử lý thính giác.
Những vấn đề thần kinh như bại não, chấn thương sọ não.
Rối loạn phổ tự kỷ
Những vấn đề cấu trúc như khe hở môi vòm miệng (chủ yếu ảnh hưởng đến lời nói)
Mất dùng lời nói chủ ý ( Đây là rối loạn lời nói nhưng thường kèm theo vấn đề ngôn ngữ)
Bố mẹ cần làm gì khi phát hiện con mình có dấu hiệu chậm nói ?
Đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân
Bố mẹ khi phát hiện bé nhà mình có dấu hiệu chậm nói không nên quá lo lắng, Trước hết chúng ta cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám sẽ giúp xác định được chính xác hơn nguyên nhân khiến bé chậm nói. Từ đó sẽ giúp bố mẹ có được hướng điều trị phù hợp nhất dành cho trẻ.
Lời khuyên dành cho phụ huynh giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và lời nói tốt hơn:
Bắt đầu nói chuyện với trẻ từ ngay sau sinh. Nói chuyện với trẻ thật nhiều.
Gọi tên, mô tả những việc bạn đang làm và trẻ đang làm trong suốt cả ngày.
Lắng nghe trẻ. Nhìn trẻ khi trẻ nói với bạn. Đáp ứng khi trẻ gù gì và bập bẹ. Trả lời trẻ khi trẻ hỏi bạn và khen thưởng trẻ vì trẻ nói.
Hãy ngồi xuống để mặt ngang mặt với trẻ, như vậy trẻ sẽ quan sát được cử động miệng của bạn khi bạn phát âm.
Hãy nói chậm và rõ ràng để trẻ quan sát bạn tốt, khi bạn nói chậm với trẻ trẻ sẽ cũng nói chậm với bạn, nói nhanh khiến trẻ khó phát âm đúng.
Bạn có thể dùng cử chỉ và điệu bộ để minh họa rõ hơn ý bạn nói , khuyến khích trẻ dùng cử chỉ lại với bạn, điều đó giúp trẻ giao tiếp với mọi người tốt hợn.
Khi trẻ có điều gì đó quan tâm, thích thú , hãy tạo cơ hội để trẻ nói với bạn. Ví dụ: Khi biết là trẻ đang muốn uống sữa, bạn hãy hỏi : “Con muốn gì?”, bạn làm mẫu và yêu cầu trẻ nhắc lại từ “Sữa” rồi mới đưa sữa cho trẻ.
Hãy mong đợi trẻ nói, hãy chờ đợi trẻ vì trẻ nói khó hơn, chậm hơn trẻ bình thường , bạn đừng vội vàng nói hộ trẻ.
Hãy nhắc đi nhắc lại những từ mà trẻ đang học.
Mở rộng những gì trẻ nói (VD: Nếu trẻ nói “ Bánh” bạn có trể nói “ Con muốn bánh” )
Cổ vũ trẻ kể chuyện và chia sẻ thông tin.
Đặt nhiều câu hỏi cho trẻ.
Đừng ép buộc trẻ nói.
Đừng phê bình những lỗi ngữ pháp của trẻ. Thay vào đó, bạn sẽ nói lại câu đúng ngữ pháp.
Khi chơi với trẻ hãy lần lượt cùng chơi, điều này khiến trẻ thích thú và bạn có thể kéo dài việc dạy trẻ.
Chơi những trò chơi đơn giản với trẻ như Ú Òa.
Chọn những đồ chơi phù hợp với mức phát triển và hứng thú của trẻ.
Chơi với trẻ tương tác 1-1 và nói trẻ về trò chơi, đồ chơi đang chơi.
Cho trẻ chơi với những trẻ có ngôn ngữ tốt hơn trẻ.
Bạn có thể dạy trẻ khi nào?
Hoạt động sinh hoạt hằng ngày
Hoạt động vui chơi
Dạy tranh: dùng tranh ảnh để phát triển vốn từ vựng của trẻ.
Đọc sách to cho trẻ nghe, nếu trẻ không thích chữ, nói về tranh trong sách.
Hát cho trẻ nghe .
Xem ảnh gia đình và nói về chúng .
Theo sự dẫn dắt của trẻ để duy trì được hứng thú của trẻ.