MENU

CÁC DẤU HIỆU CỦA NHAU TIỀN ĐẠO LÀM GÌ ?

CÁC DẤU HIỆU CỦA NHAU TIỀN ĐẠO LÀM GÌ ?

Nhau tiền đạo nguy hiểm cho mẹ và bé như thế nào nếu bị ra huyết ?

  1. Nhau tiền đạo là gì ?

Nhau tiền đạo (hay còn gọi rau tiền đạo) là bánh nhau nằm chắn ngang đường đi của thai nhi khi sanh qua ngã âm đạo. Đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong vài tháng cuối của thai kỳ đôi khi có thể gây nguy hiểm cho tính mạng mẹ và bé.

Thông thường, bánh nhau bám ở vùng đáy hoặc đoạn thân tử cung. Nhưng cũng có một số trường hợp bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung, che một phần hay che kín cổ tử cung thì được gọi là Nhau tiền đạo.

Nếu bị nhau tiền đạo đa số phải mổ lấy thai và có thể phải truyền máu trong khi mổ nếu ra huyết nhiều, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng mẹ và bé.

2. Các dấu hiệu nghi ngờ nhau tiền đạo?

Triệu chứng thường xảy ra đột ngột thường vào tam cá nguyệt cuối, mẹ có thể bị ra huyết đỏ tươi, có thể nhiều hoặc ít, đông cục lại, không kèm theo đau bụng. Triệu chứng này có thể lập lại nhiều lần và lần sau thường ra huyết nhiều hơn lần trước. Nếu mẹ đi lại nhiều, làm việc nặng, giao hợp, hay bị ho, stress… thì dễ bị ra huyết nhiều hơn.

3. Làm thế nào để phát hiện nhau tiền đạo trước sanh?

Nếu bạn đi khám thai định kỳ thường xuyên, bác sĩ sẽ chẩn đoán rất dễ dàng qua siêu âm, có thể phát hiện sớm nhau tiền đạo từ tuần lễ thứ 20 cuả thai kỳ. Qua siêu âm, ngoài việc khảo sát hình thái thai nhi, ước tính trọng lượng qua các số đo… bác sĩ có thể xác định vị trí bánh nhau bám vào tử cung: ở đáy, thân, mặt trước, mặt sau, bám thấp, tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm. Nếu phát hiện có nhau tiền đạo, bạn nên đi khám thường xuyên theo đúng hẹn của bác sĩ để bác sĩ có hướng tư vấn cụ thể hướng dưỡng thai tốt nhất cho trường hợp của bạn.

4. Nguyên nhân phụ nữ mang thai bị nhau tiền đạo?

Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định. Theo các nghiên cứu thống kê người ta nhận thấy nhau tiền đạo hay gặp trong các trường hợp sau:

  • Sanh đẻ nhiều lần.
  • Từng mổ lấy thai trước đó.
  • Nạo phá thai nhiều lần.
  • Viêm nhiễm phụ khoa nhiều lần không được điều trị dứt điểm.
  • Các lần mang thai trước có lần bị nhau tiền đạo.
  • Nhưng có những người mang thai lần đầu tiên cũng có thể bị nhau tiền đạo.
  • Bên cạnh đó có thể chế đô dinh dưỡng kém, hút thuốc lá, mẹ lớn tuổi… cũng có thể là nguyên nhân góp phần…

5. Những ảnh hưởng của nhau tiền đạo trên mẹ và thai là gì?

5.1 Đối với mẹ :

  • Ra huyết âm đạo nếu ít thì gây thiếu máu. Tùy mức độ ít nhiều mà ảnh hưởng đến tổng trạng của mẹ. Nếu ra huyết quá nhiều có thể dẫn đến gây tử vong.
  • Ra huyết âm đạo nếu không theo dõi và vệ sinh tốt có thể dẫn đến nhiễm trùng…

5.2 Đối với thai:

  • Nếu mẹ bị ra máu thường xuyên bé dễ bị còi cọc, suy dinh dưỡng, suy thai…
  • Nếu mẹ ra huyết ít không ảnh hưởng đến tổng trạng của mẹ thì bác sĩ sẽ có chế đô nghỉ ngơi cho mẹ dưỡng thai, kéo dài tuổi thai tối đa đến mức có thể đồng thời chích hỗ trợ phổi cho em bé, nếu bé đủ tuần tuổi cho phép.
  • Nếu mẹ bị ra huyết nhiều đe dọa tính mạng mẹ và để cứu mẹ bác sĩ bắt buộc phải mổ lấy thai sớm không kể đến thai đủ tháng hay chưa. Khi đó khả năng thai còn non tháng rất cao và bé dễ bị suy hô hấp vì non tháng và tử vong.
  • Thai thường khó xoay đầu xuống dưới do bánh nhau nằm ở đoạn dưới tử cung nên hay gặp ngôi ngược bất thường như ngôi mông, ngôi ngang…

6. Cần phải làm gì khi đuợc chẩn đoán nhau thai tiền đạo?

Khi bạn đã được chẩn đoán là nhau tiền đạo thì phải chuẩn bị sẵn tình huống có thể ra huyết vào bất kì lúc nào nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ. Nếu có ra huyết âm đạo bạn phải vào ngay bệnh viện sản khoa gần nhất để được theo dõi. Tùy theo mức độ ra huyết ít hay nhiều của bạn lúc đó và tuần tuổi của thai nhi mà bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay dưỡng thai thêm. Nếu bạn ra huyết ít, và được dưỡng thai thêm thì bạn cần nằm nghỉ ngơi nhiều tại giường, không lao động nặng, kiêng giao hợp. Ăn uống nhiều chất dinh dưỡng để giúp hỗ trợ thai phát triển tối đa. Nếu dưỡng thai được đến 37 tuần bạn nên nhập viện sớm vào các bệnh viện chuyên khoa sản để bác sĩ theo dõi và có hướng tư vấn cho bạn các tình huống có thể xảy ra cũng như vấn đề truyền máu trước hay sau mổ.

7. Có phải mổ lấy thai cho tất cả các trường hợp nhau tiền đạo?

Mổ lấy thai cho những trường hợp sau:

  • Nhau tiền đạo ra huyết nhiều đe dọa tính mạng mẹ và bé.
  • Nhau tiền đạo trung tâm và thai đủ trưởng thành ( tức là bé có khả năng sống được khi ra khỏi buồng tử cung).
  • Nhau tiền đạo bán trung tâm.

Những trường hợp nhau bám thấp hay bám mép thì bạn vẫn có thể sanh ngã âm đạo được nếu không kèm một bất thường hay bệnh lý nào khác.

8. Làm gì để hạn chế bị nhau tiền đạo?

  • Không nên sanh đẻ nhiều.
  • Không nạo phá thai nhiều lần.
  • Khám phụ khoa định kỳ
  • Hạn chế sinh đẻ khi ngoài 35 tuổi
  • Có chế đô dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, chuẩn bị tốt sức khỏe trước khi mang thai.

Bài viết được đăng tải bởi: Khoa Phụ sản Bệnh viện Bình Dân Đà Nẵng, 376 Trần Cao Vân, TP. Đà Nẵng 

Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.

Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng … 

Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.

Trân trọng cảm ơn quý khách !

Admin: Nguyen Hai Quoc – Email: khamdinhkydanang@gmail.com

CÁC LOẠI VIÊN UỐNG LỢI SỮA

Ẩn quảng cáo