MENU

BỆNH BẠCH HẦU

TÌM HIỂU VỀ BỆNH BẠCH HẦU VÀ THAI KỲ

Diphtheria

Bài viết được đăng tải bởi Ths Bác sĩ Lê Như Ngọc

Bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu (tiếng Anh: diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria – gây ra.

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu có 3 týp là Gravis, Intermedius và mitistheo thứ tự khả năng gây bệnh giảm dần. Cả ba týp vi khuẩn đều có khả năng sinh độc tố nhưng thể bệnh nặng thường do týp gravis gây ra.

 Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Những ai dễ mắc bệnh bạch hầu?

  • Người ở mọi độ tuổi có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa được tiêm phòng vắc xin;
  • Đối với trẻ sơ sinh: thường có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con nên không mắc bệnh nhưng miễn dịch bảo vệ này sẽ mất đi khi trẻ 6 tháng – 1 tuổi nên trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu không tiêm vắc xin;
  • Ở trẻ em tuổi dễ mắc bệnh < 15 tuổi nếu chưa có miễn dịch;
  • Sau khi mắc bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời tuy nhiên với những nhóm người suy giảm miễn dịch tỉ lệ tái nhiễm bệnh khoảng 2 – 5%;
  • Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên đến 97% nhưng giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh;

Biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu

Bệnh Bạch hầu thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan, hay viêm thanh quản, và đôi khi bệnh này cũng biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da.

Trẻ sẽ bị viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khi khám thấy có giả mạc. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Ca bệnh xác định chẩn đoán nhờ phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng lấy từ mô bệnh.

Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim.

Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%.

Các thể lâm sàng thường gặp của bệnh bạch hầu

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau:

  • Bệnh bạch hầu mũi trước
  • Bệnh bạch hầu họng và amidan
  • Bạch hầu thanh quản
  • Bạch hầu các vị trí khác: Thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.

Tất cả các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng bằng cách nào?

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  • Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
  • Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm phòng vắc xin. Tại Việt Nam hiện nay không có vắc xin riêng lẻ phòng bệnh bạch hầu, chỉ có những vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu như: 

  • Vắc xin 3 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà.
  • Vắc xin 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt
  • Vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB.
  • Vắc xin 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB – Viêm gan B.

Tiêm ngừa bệnh bạch hầu cho thai phụ có an toàn không?

Phụ nữ mang thai sức đề kháng giảm nên khá nhạy cảm với bệnh và khi đó nguy hiểm cho thai nhi. Vì vậy, việc tiêm ngừa là cần thiết để bảo vệ cho cả mẹ và bé. Theo Hiệp hội thực hành tiêm chủng Hoa kỳ khuyến cáo nên tiêm ngừa bạch hầu – uốn ván- ho gà cho tất cả các thai phụ cho dù tiền sử trước đây đã tiêm. Vắc xin 3 trong 1 được sản xuất từ độc tố bạch hầu bất hoạt, độc tố uốn ván giảm độc lực và vô bào ho gà. Vì vậy vắc xin 3 trong 1 này không ảnh hưởng đến thai nhi. Không dùng vắc-xin được sản xuất từ virus giảm độc lực như bại liệt, sởi – quai bị – rubella, thủy đậu trong thai kỳ.

  • Bạch hầu – uốn ván – ho gà (Tdap): có thể được tiêm an toàn trong suốt thai kỳ. Tại Hoa Kỳ, vắc-xin này được khuyến cáo tiêm khoảng 27 – 36 tuần tuổi thai để bé được bảo vệ trong thời gian đầu sau sinh.
  • Nếu thai phụ được tiêm trước tuần 27 không cần tiêm lại trong khoảng 27 – 36 tuần. 
  • Các thành viên trong gia đình và kể cả người chăm sóc bé nên được tiêm ngừa Tdap nếu trước đó chưa tiêm. Lý tưởng, họ nên được tiêm tối thiểu 2 tuần trước khi tiếp xúc với bé sơ sinh.
  • Nếu thai phụ chưa từng được tiêm vắc-xin Tdap trước đây và trong suốt thai kỳ thì nên tiêm ngay sau sinh.

Các loại vắc-xin có thể được dùng an toàn trong thai kỳ:

  • Cúm: Vắc-xin này an toàn trong suốt thai kỳ.
  • Viêm gan B: Với những thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh này và chưa có kháng thể viêm gan B nên được tiêm ngừa viêm gan B.

Tóm lại, để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé tránh những biến chứng do bệnh bạch hầu gây nên, các thai phụ cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh và tiêm ngừa bệnh.

Ths. Bs Lê Như Ngọc

  • Phòng khám Sản Phụ Khoa – Ths.Bs Lê Như Ngọc
  • 28 Hải Phòng – TP Đà Nẵng. ĐT : 0927599711

Nguồn : BV Từ Dũ

Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.

Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng … 

Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.

Trân trọng cảm ơn quý khách !

Admin: Nguyen Hai Quoc – Email: khamdinhkydanang@gmail.com

BỆNH BAN ĐỎ Ở TRẺ EM

Ẩn quảng cáo