Da bị vàng (da, gan bàn chân, bàn tay và cả niêm mạc mắt, lưỡi vàng) là do sắc tố mật (bilirubin) tăng ở trong máu.
Với trẻ sơ sinh, một số bị vàng da được gọi là vàng da sơ sinh (vàng da sinh lý) do tăng bilirubin gián tiếp rất hay gặp, chiếm 25-30% ở trẻ đủ tháng và đa số ở trẻ non tháng. Bệnh thường xảy ra trong tháng tuổi đầu tiên. Vàng da sơ sinh sẽ hết sau một tuần với trẻ đẻ đủ tháng và sau hai tuần với trẻ đẻ thiếu tháng, nếu vàng da kéo dài có thể do bệnh lý.
Vàng da ở người lớn: Khi bị vàng da thường do bệnh lý. Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh vàng da, chủ yếu là do chức năng của các bộ phận gan, mật, tụy bất thường. Khi tế bào gan bị tổn thương, vỡ hay đường mật bị viêm, chèn ép (sỏi mật, giun chui ống mật làm tắc nghẽn, polyp hoặc u…) hoặc do xơ gan, ung thư gan, ung thư tụy… làm cho lượng sắc tố mật trong máu tăng lên gây tình trạng da, niêm mạc mắt, lưỡi, gan bàn chân, bàn tay bị nhuộm vàng của sắc tố mật. Đó là các bệnh viêm gan cấp tính hoặc mạn tính do virus A, B, C, D, E, G hoặc do ngộ độc (rượu, hóa chất) hoặc do mắc bệnh sốt rét, bệnh sốt vàng da, chảy máu (Leptosspira) đều có dấu hiệu bị vàng da. Ngoài các bệnh về gan, mật, các bệnh khác như u đầu tụy, ung thư tụy (nhất là ung thư đầu tụy, vàng da ngày càng gia tăng) do làm cản trợ sự lưu thông của bilirubin, khiến da vàng nhiều; bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn đường ruột (Salmonella, E.coli), vi khuẩn tụ cầu vàng (S.aureus), trực khuẩn mủ xanh (P. aerruginosa) đều có khả năng gây tổn thương gan gây vàng da, vàng da có thể do bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh Cooley, bệnh tự miễn, bệnh tan máu do lạnh hoặc vàng da do ngộ độc hóa chất, ngộ độc thuốc (ví dụ như clopromazin, paracetamol, thuốc chống lao, thuốc tránh thai…) làm tổn thương gan trầm trọng gây vàng da.
2. CÁCH NHẬN BIẾT:
Ngoài các dấu hiệu lâm sàng vàng da (vàng niêm mạc mắt, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân ngả vàng, nước tiểu vàng, thậm chí sẫm màu hoặc phân bạc màu trong bệnh tắc đường mật) cả người bệnh (người lớn) và bác sĩ đều nhận thấy, cần xét nghiệm để xác định nguyên nhân.
Khi xét nghiệm máu ở bệnh nhân vàng da sẽ thấy lượng bilirubin trong máu tăng cao ở cả 3 loại (bilirubin toàn phần, trực tiếp, gián tiếp). Bên cạnh đó lượng men gan AST à ALT cũng tăng cao trên gấp đôi so với thông thường, cho thấy chức năng gan, mật, tuyến tụy của cơ thể đang bị tổn thương nghiêm trọng.
Ở trẻ sơ sinh sinh đủ tháng, bình thường nếu bị vàng da được coi là vàng da sinh lý khi vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi, trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn). Khi làm xét nghiệm máu, nếu vàng da sinh lý sẽ không có các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…). Nồng độ bilirubin trong máu không quá 12 mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14 mg% ở trẻ non tháng… Tốc độ tăng bilirubin máu không quá 5 mg% trong 24 giờ.
3. NÊN LÀM GÌ KHI CÓ DẤU HIỆU VÀNG DA:
Khi có dấu hiệu vàng da nên đến bệnh viện để khám và làm một số cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ.
Tuỳ theo từng nguyên nhân sẽ có các chỉ định điều trị khác nhau. Khi được điều trị đúng, kịp thời, bệnh và triệu chứng vàng da cũng thuyên giảm theo. Việc điều trị nguyên nhân gây nên vàng da cũng tuỳ theo từng bệnh, có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) nhưng trong một số bệnh cần phải can thiệp bằng ngoại khoa (phẫu thuật) mới có thể giải quyết được căn nguyên gây vàng da (sỏi, u mật, tụy).
Đối với vàng da sơ sinh thường được áp dụng 3 phương pháp chính, đó là, cung cấp đầy đủ nước và năng lượng (qua cho bú hoặc truyền dịch), truyền albumin và dùng một số loại thuốc để gia tăng tốc độ chuyển hoá bilirubin gián tiếp. Hoặc chiếu đèn là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh hiệu quả, an toàn, đơn giản và kinh tế nhất.