MENU

POLYP TÚI MẬT CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

POLYP TÚI MẬT CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Túi mật là một cơ quan nhỏ có cấu trúc dạng túi, nằm sát gan, dưới bờ sườn bên phải, là một thành phần của đường mật, có chức năng dự trữ và cô đặc mật sau khi gan tiết ra. Polyp túi mật là bệnh lý khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi (nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành và rất hiếm ở trẻ em), thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng hoặc người bệnh đi khám vì lý do đầy bụng, khó tiêu. Đa phần khoảng 95% các trường hợp polyp túi mật là lành tính, tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ phát triển thành ung thư hóa. Do đó, khi phát hiện polyp túi mật, bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên khoa về tiêu hóa khám, tư vấn về hướng điều trị phù hợp cũng như quá trình theo dõi và tái khám sau đó.

Polyp túi mật là gì?

Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến túi mật, là một dạng tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật.

Kích thước của polyp túi mật thường có liên quan đến tính chất của polyp:

  • Polyp túi mật nhỏ – thường có đường kính dưới 10mm – đa phần là lành tính.
  • Polyp túi mật có đường kính lớn hơn 10mm nhiều khả năng bị ung thư hoặc có nguy cơ phát triển thành ung thư theo thời gian.
  • Polyp túi mật có đường kính lớn hơn 18mm có khả năng cao là ác tính.

Một số loại polyp túi mật thường gặp:

  • Polyp lành tính như: polyp cholesterol, u cơ tuyến túi mật, u tuyến, viêm giả u, u cơ, u mỡ…
  • Polyp ác tính như: adenocarcinoma (ung thư tuyến), mealanoma (u sắc tố), di căn ung thư…

Một số triệu chứng thường gặp do polyp túi mật:

Đa phần các trường hợp Polyp túi mật không biểu hiện triệu chứng mà thường được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe tổng quát hoặc đi khám sức khỏe vì một lý do khác qua siêu âm, chụp CT Scan hoặc MRI.

Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân polyp túi mật có thể biểu hiện các triệu chứng như: đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, nôn, đau tức vùng hạ sườn pp hải hoặc vùng thượng vị, nhất là sau khi ăn nhiều thực phẩm chiên, xào nhiều chất béo.

Điều trị polyp túi mật như thế nào?

Túi mật là một cấu thành của hệ thống đường dẫn mật, có vai trò tham gia điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn, do vậy không thể tùy tiện tiến hành cắt bỏ khi chưa có chỉ định.

Hầu hết polyp túi mật có bản chất lành tính, do vậy người bệnh không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật. Với polyp nhỏ dưới 10mm có thể chỉ cần theo dõi thường xuyên mỗi 3-6 tháng mà không cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Polyp lớn hơn 10mm có khả năng tiến triển thành ung thư, đặc biệt là những polyp lớn. Do đó, cắt bỏ túi mật có thể được đề nghị để ngăn chặn sự phát triển ung thư túi mật.

Nếu trong quá trình tái khám, phát hiện polyp tăng kích thước nhanh, hoặc đường kính polyp lớn hơn 10mm, hoặc có các biểu hiện ác tính qua các xét nghiệm, thăm dò khác, hoặc polyp đã có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng thì nên chỉ định phẫu thuật sớm. Ngày nay, với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi là phẫu thuật ít xâm hại, ít đau, bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng.

Phòng ngừa polyp túi mật như thế nào?

Thực phẩm giúp phòng polyp túi mật. Polyp túi mật là bệnh đa phần lành tính, nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng do thói quen sinh hoạt và ăn uống không phù hợp.

Có nhiều yếu tố thuận lợi đối với việc hình thành polyp túi mật như chức năng gan mật kém, nồng độ đường máu, nồng độ mỡ máu cao, béo phì, nhiễm virus viêm gan, thói quen ăn uống nhiều mỡ, chất béo, kích thích làm tăng thêm lượng chloresterol trong người. Để phòng ngừa bệnh tức là phải giảm những yếu tố này trong cơ thể. Đối với người bị polyp túi mật thì chế độ ăn uống phải thanh đạm gần giống với người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, tức là phải giảm cholesterol xấu trong máu.

Giảm cholesterol bằng các loại thực phẩm lành mạnh gồm: Yến mạch, các loại hạt, đậu, thay chất béo từ động vật bằng thực vật, tăng ăn cá hồi thay thịt động vật… Đặc biệt, không nên uống rượu, cà phê mà thay vào đó là uống trà xanh bởi trà xanh chứa Catechins, là những hợp chất chống oxy hóa giúp giảm cholesterol xấu một cách khá tốt.

Nên chọn thịt nạc từ gia cầm, nếu ăn cá, nên chọn các loại cá biển. Đặc biệt là nên ăn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Nên ăn những thực phẩm theo màu như màu đen chọn nấm hương, mộc nhĩ; màu vàng chọn cà rốt, bí ngô; màu xanh chọn các loại rau họ cải; màu trắng chọn cải bắp, su hào… bởi những thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, vitamin A, B1, C và chứa thành phần chống viêm cho người bệnh.

Bài viết được đăng tải bởi: BỆNH VIỆN 199 – BỘ CÔNG AN

  • Địa chỉ: 216 Nguyễn Công Trứ – Quận Sơn Trà – TP Đà Nẵng
  • Hotline: 1900986868
  • Điện thoại: 02363 985 276
  • Email: lienhe@benhvien199.vn

Biên soạn: BÁC SĨ TRẦN NGUYÊN PHÚ

Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.

Tìm bác sĩ tại các Tỉnh – Thành phố

Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng … 

Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.

Trân trọng cảm ơn quý khách !

Admin: Nguyen Hai Quoc Email: khamdinhkydanang@gmail.com

Ẩn quảng cáo