MENU

Chăm sóc trẻ em mùa nắng nóng

Chăm sóc trẻ em mùa nắng nóng

Chuyên mục: Phụ nữ 247

How to take care of children in the summer ?

Nội dung được đăng tải bởi: Bác sĩ VÕ THỊ HỒNG HƯỚNG Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện 199

Sự bùng phát của dịch bệnh virus corona (COVID-19) đã được tuyên bố là Tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế và virus này đã lan đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh tình hình các ca nhiễm Covid-19 tại khu vực TP.HCM bước vào đợt bùng phát mới với cùng lúc nhiều ổ dịch, đặc biệt là chùm ca bệnh liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã đặt TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước trước tình trạng báo động rất lớn.

Trong lúc chưa thể đón đầu và truy vết chính xác nguồn lây, vào lúc 0h ngày 31/5/2021, thành phố Hồ Chí Minh công bố thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 15+, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện theo chỉ thị 16 về giãn cách xã hội.

Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp em được nghỉ học và ở nhà. Thời tiết nắng nóng, khiến nhiệt độ môi trường tăng cao, làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt, làm cơ thể trẻ dễ bị mất nước kèm theo mất điện giải. Vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng của trẻ còn yếu kém thời tiết nắng nóng rất dễ làm trẻ bị mắc bệnh và nhiều tác động không tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Để trẻ luôn vui khỏe và nâng cao sức đề kháng nhất trong mùa dịch, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

Sử dụng phương tiện làm mát khoa học, hợp lý:

Vì thời tiết nắng nóng làm nhiệt độ môi trường bên ngoài luôn tăng cao, nhiều gia đình cố gắng tao điều kiện cho trẻ được thoải mái và dễ chịu qua việc cho trẻ vui chơi sinh hoạt trong phòng máy lạnh. Tuy nhiên nếu không chú ý những nguyên tắc căn bản hoặc sử dụng không điều độ sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể, nếu cho trẻ sử dụng máy lạnh trong thời gian kéo dài quá mức (thường trên 4 tiếng), và nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ làm cho đường hô hấp của trẻ sẽ bị khô khiến cho sức đề kháng đường hô hấp của trẻ bị giảm nên trẻ sẽ dễ bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm mũi xuất tiết…làm trẻ bị sốt, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ăn uống kém làm sức khỏe càng bị sụt giảm.

Nếu có nhu cầu sử dụng máy điều hoà nhiệt độ, phụ huynh nên để nhiệt độ trong phòng thấp hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài khoảng 8-10oC, hoặc duy trì nhiệt độ trong phòng khoảng 28 độC là hợp lý. Nhớ cho trẻ uống đủ nước để khỏi bị khô họng, nhất là khi ngồi lâu trong phòng điều hoà nhiệt độ để tránh cho trẻ (và cả người lớn) khỏi ngạt mũi, viêm họng, đau đầu, chóng mặt.

Không cho trẻ chạy ra vào phòng liên tục vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cho trẻ dễ bị nhiễm bệnh. Không nên bật quạt to rồi để gần trẻ. Đối với trẻ sơ sinh thì không nên để quạt quá gần, luôn để trên 2m trở lên và bật số nhỏ nhất. Lưu ý là không để quạt thốc thẳng vào mặt trẻ.

Khi bật điều hòa mà muốn ra ngoài nên mở cửa từ từ rồi chờ 2-3 phút mới được đi ra khỏi phòng để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài.

Chăm sóc cá nhân thường xuyên và đúng cách:

Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình, rửa tay được xem như “liều vắc xin miễn phí” cho mọi người. Mang khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra đường, hằng ngày nên nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ vài lần bằng dung dịch nước muối loãng (Natri Clorit 0,9%) để làm sạch mũi, mắt mỗi khi trẻ ra ngoài đường có nguy cơ hít phải bụi bẩn, tiếp xúc chất gây ô nhiễm.

Cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết: khi ở nhà và cả khi ở trường, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lượng nước thiết yếu cho trẻ trong ngày vào khoảng 50 – 60ml tính trên mỗi kilogram thể trọng trong 24 giờ.

Vệ sinh nhà ở, giữ môi trường thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn. Nó là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, phụ huynh có thể tạo thói quen ngủ mùng, tham gia phong trào diệt lăng quăng…

Theo nguyên tắc, bé cần thêm một lớp áo so với người lớn; ví dụ, nếu bạn đang mặc áo phông thì bé cần một áo lót và một áo phông. Tất nhiên, trong thời tiết nắng nóng, bé sẽ cần ít quần áo hơn. Cotton là chất liệu rất tốt cho bé mới sinh trong hè vì nó mát (do ít hấp thu nhiệt) và khiến bé dễ thở.

Chế độ dinh dưỡng cân đối:

Mùa nóng, thời tiết oi bức nên dinh dưỡng cho bé cần các thực phẩm tươi mát để giúp giải nhiệt cho cơ thể. Cho bé ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau dền, rau muống, bí… chúng giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé.

Các thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, sò, hàu, hến, đậu đỗ… sẽ cung cấp cho bé chất đạm và nhiều dưỡng chất quan trọng như kẽm, sắt, canxi… Trái cây tươi, sữa chua, hành, tỏi, bông cải xanh, cà chua, rau gia vị (tía tô, kinh giới, thì là…) cũng đóng góp cho hệ miễn dịch, sự ngon miệng và giúp trẻ phát triển cơ xương và góp rất tốt cho hệ miễn dịch của trẻ.

Mùa nóng là mùa có nhiều loại trái cây và rau quả như dưa chuột, cà chua, rau diếp, đậu lăng … giàu vitamin C, carotene và muối khoáng. Bữa ăn của bé cần chia nhỏ và có nhiều canh rau, ít dầu mỡ… bên cạnh đó các bà mẹ có thể cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua, bánh flan…

Sữa sẽ khiến trẻ ngủ ngon và sâu hơn nhờ chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là canxi, tryptophan, taurin… có tác dụng ổn định thần kinh giúp trẻ thư giãn và dễ ngủ.

Hạn chế cho trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ chiên rán, nhiều chất béo như gà rán, khoai tây chiên, thịt mỡ, xúc xích, đồ hộp, lạp xưởng… vì vừa khó tiêu, vừa nhiều năng lượng đòi hỏi phải cung cấp nhiều nước hơn để chuyển hóa. Hạn chế cho ăn nhiều đồ ngọt, kể cả kem, bánh, sữa đặc có đường…

Thức ăn chế biến xong cần cho trẻ ăn ngay trong vòng 30 phút. Không cho trẻ ăn thức ăn sống, thức ăn hay sữa sau khi pha để ngoài nhiệt độ thường hơn 2 giờ. Hạn chế cho trẻ đồ uống hay kem lạnh thường xuyên để tránh viêm đường hô hấp.

Không nên cho trẻ ăn thức ăn để đông lạnh. Trong những ngày nắng nóng, nhiều bậc cha mẹ thường chuẩn bị trước bữa ăn trưa cho trẻ và trẻ chỉ cần để làm nóng thức ăn trong lò vi sóng khi ăn. Điều này rất tốt cho trẻ, nhưng món ăn để đông lạnh không được khuyến khích. Do vậy, các bậc cha mẹ nên chú ý khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ em, bữa ăn trưa dành riêng cho trẻ nên được thực hiện vào buổi sáng và được giữ tươi trong tủ lạnh, không nên chuẩn bị sẵn thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh.

Thực hiện tốt việc “nuôi con bằng sữa mẹ”:

Đây là biện pháp chủ động nâng cao sức đề kháng cho trẻ, nhất là trẻ nhũ nhi. Sữa mẹ ngoài dưỡng chất quan trọng còn có một lượng kháng thể giúp trẻ phòng tránh bệnh tật.

Uống nước đúng cách:

Nắng nóng làm tăng nhu cầu về nước do cơ thể bị mất nước qua da (tăng tiết mồ hôi) và qua phổi (tăng nhịp thở). Mất nước sẽ làm giảm thể tích máu, giảm máu qua thận, giảm bài tiết nước tiểu, gây rối loạn chuyển hóa trong tế bào, làm tăng urê, tăng các sản phẩm tan trong máu. Mất nước còn giảm đi những chất điện giải quan trọng trong cơ thể. Cơ thể cần nước để cân bằng nhiệt độ cơ thể.

Trời nóng bức nên nhiều người có nhu cầu uống nước mát lạnh thậm chí là nước đá. Tuy nhiên thói quen uống nước đá, nước lạnh không chỉ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa (do nước đá được làm từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh) mà còn gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi… Vì vậy, nên uống nước ấm. Nhiệt độ của nước thích hợp nhất là 10-30 độ C.

Đặc biệt, mọi người thường có thói quen chỉ uống nước khi khát và khi khát thì uống liên tục. Đây là thói quen không tốt cần phải thay đổi bởi vì khi cơ thể cảm thấy khát là lúc cơ thể đã thiếu nước. Vì vậy, việc uống nước đầy đủ, thường xuyên ngay cả khi không khát sẽ giúp mỗi người khỏe mạnh hơn, làm việc tốt hơn và lâu mệt mỏi hơn. Tránh cho bé uống trà, cà phê.

Tiêm ngừa đầy đủ:

Bố mẹ cần lưu ý tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo quy trình của bộ y tế. Đây là biện pháp phòng ngừa bảo vệ hiệu quả cho trẻ.

Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.

Tìm bác sĩ tại các Tỉnh – Thành phố

Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng … 

Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.

Trân trọng cảm ơn quý khách !

Admin: Nguyen Hai Quoc – Email: khamdinhkydanang@gmail.com

Bệnh viện 199 Đà Nẵng

Ẩn quảng cáo