NHỮNG NGUY HIỂM CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG KHI MANG THAI
Hiện nay bệnh tiểu đường thai kỳ chiếm khoảng 5% phụ nữ có thai. Bệnh tiểu đường thai kỳ (Gestational diabetes) là tình trạng không dung nạp Carbohydrate. Bệnh có thể được phát hiện lần đầu trong quá trình mang thai, hoặc có trường hợp bệnh tiểu đường đã có từ trước nhưng chưa được chẩn đoán và tình cờ phát hiện trong lúc mang thai.
Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây những biến chứng cho cả mẹ và thai, thậm chí ngay cả khi bé đã lớn lên.
Đối với mẹ, tiểu đường thai kỳ có thể gây tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, tiểu đường type 2 sau khi sinh, hội chứng rối loạn chuyển hóa…
Đối với thai, tiểu đường thai kỳ có thể gây thai to, thai lưu, đẻ non… Khi đẻ ra bé có thể bị suy hô hấp, hạ đường huyết, vàng da. Hoặc khi lớn lên bé có thể bị béo phì, tiểu đường type 2 hoặc hội chứng rối loạn chuyển hóa…
1. Nguyên nhân
Phụ nữ mang thai dễ bị mắc bệnh tiểu đường là do những hormon của nhau thai tiết ra, làm giảm sự nhạy cảm của insulin đối với tế bào, còn được gọi là hiện tượng đề kháng insulin.
Thông thường sau ăn, lượng đường trong máu sẽ tăng lên do vậy tuyến tụy sẽ tiết ra một hormone có tên gọi là insulin, giúp đưa đường vào trong tế bào và chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể hoạt động và giữ cho lượng đường trong máu ổn định trong giới hạn cho phép. Khi có hiện tượng đề kháng insulin thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ.
2. Chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ bằng cách nào?
Thông thường bác sĩ sẽ phân loại ra 2 đối tượng nguy cơ thấp và cao, ngay khi bạn đến khám thai lần đầu
• Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ cao như tuổi > 35, béo phì, tiền căn có bệnh tiểu đường thai kỳ trước đó. Có tiền căn gia đình bị bệnh tiểu đường thì bạn sẽ được tầm soát test đường ngay.
• Nếu bạn có yếu tố nguy cơ trung bình sẽ thực hiện tầm soát vào tuần lễ thứ 24-28 của thai kỳ.
Cách chẩn đoán xác định tiểu đường thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp 75g glucose, làm vào buổi sáng sau khi sản phụ đã nhịn đói trên 8 giờ. Tiến hành đo đường huyết trước và sau 1h và 2h uống glucose.
2. Thai nhi của các sản phụ bị bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ gì?
2.1. Các dị tật bẩm sinh
Dị tật có thể gặp ở hệ thần kinh (thai vô sọ, nứt đốt sống, não úng thủy…), hệ tiết niệu (teo thận, nang thận, hai niệu đạo…), nhưng phổ biến nhất là các dị tật tim mạch (thông liên thất, thông liên nhĩ, đảo chỗ các mạch máu lớn)…
2.2. Thai to hoặc thai kém phát triển
• Bệnh lý thường bắt đầu từ đường huyết của mẹ cao dẫn đến đường huyết của thai cao, sau đó làm tăng tiết insulin ở thai. Chính điều này làm kích thích làm thai phát triển to.
• Ngoài ra nếu các bà mẹ bị tiểu đường lâu năm có biến chứng mạch máu thì thai lại kém phát triển trong tử cung do sự tưới máu nuôi dưỡng cho tử cung nhau thai do vậy thai nhỏ và suy dinh dưỡng.
• Nguyên nhân khác là do kiểm soát đường huyết quá nghiêm ngặt (đường huyết sau ăn trung bình < 6,1 mmol/l) cũng làm thai kém phát triển.
2.3. Đa ối :
Đa ối thường kết hợp với thai to, gây khó thở cho mẹ và dễ vỡ ối đẻ non, hoặc đẻ khó, hay phải mổ sanh do thai to…
2.4. Sẩy thai hoặc thai lưu
Trước đây tỉ lệ thai lưu ở những phụ nữ bị tiểu đường trong 3 tháng cuối của thai kỳ là hơn 5%. Các nguyên nhân chính gây thai lưu là dị tật bẩm sinh, suy hô hấp thai hoặc mẹ bị nhiễm toan chuyển hóa. Một số trường hợp khác có liên quan đến sản giật hoặc tiền sản giật là một biến chứng khá phổ biến ở những thai phụ bị tiểu đường.
Ngày nay nhờ được chẩn đoán sớm và kiểm soát đường huyết tốt nên tỉ lệ này giảm xuống rõ rệt.
3. Điều trị:
• Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
• Duy trì năng lượng hàng ngày từ 1.800 – 2.500 calo.
• Khẩu phần ăn giảm dầu mỡ, giảm tinh bột ( cơm, phở, bánh mì..) và tăng chất xơ, nhiều rau xanh ( như đậu que, đậu đũa…), giảm đường ( bánh kẹo, chè…)
• Tăng cường tập luyện thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, thiền, yoga và duy trì ít nhất 30 phút mỗi ngày
• Các bữa ăn chia làm nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng no quá hay để đói quá.
Khi phát hiện có rối loạn dung nạp đường, sử dụng thuốc cho bạn ở thời điểm này hoàn toàn không cần thiết. Chỉ khi biện pháp điều chỉnh chế độ ăn theo hướng dẫn trên không có hiệu quả, thì mới cần điều trị bằng insulin có tác dụng kéo dài và theo dõi đường huyết khi đói mỗi ngày vào buổi sáng
4. Kết luận:
Nhiều quan điểm trên thế giới cho thấy, bất kỳ 1 rối loạn dung nạp đường nào xảy ra trong quá trình mang thai cũng đều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Do vậy trong quá trình mang thai bạn cần đến khám và theo dõi tại khoa Nội tiết ngay khi phát hiện có tình trạng rối loạn dung nạp đường, đảm bảo mẹ và bé được chăm sóc tốt nhất.
Bài viết được đăng tải bởi: Bác sĩ ĐỖ THỊ MỸ HẠNH – Chuyên gia Nội tiết
Thông tin liên hệ: Phòng khám Nội tiết – Đái tháo đường – Bệnh viện 199 – Bộ Công An
Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.
Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng …
Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.
Trân trọng cảm ơn quý khách !
Admin: Nguyen Hai Quoc – Email: khamdinhkydanang@gmail.com