Ths.Bs Lê Như Ngọc – Phòng khám Sản Phụ khoa 28 Hải Phòng ĐN (Lược dịch & đăng tải)
Nếu thai kỳ của bạn là thai kỳ nguy cơ cao, bạn và em bé có thể có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe trước, trong hoặc sau khi sinh. Do đó bạn cần được theo dõi hay chăm sóc đặc biệt trong suốt thai kỳ.
Yếu tố nguy cơ của thai kỳ nguy cơ cao
Thai kỳ nguy cơ cao có thể do tình trạng bệnh lý sẵn có từ trước hoặc có thể do bệnh lý xuất hiện trong thời kỳ mang thai của mẹ hay em bé.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
Tuổi của mẹ. Nếu mẹ trên 35 tuổi có thể có nguy cơ cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, béo phì và các bệnh nội khoa khác. Trẻ sinh ra từ các người mẹ lớn tuổi cũng có nguy cơ cao bất thường nhiễm sắc thể.
Thói quen không tốt. Hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng ma túy có thể gây nguy hiểm cho việc mang thai.
Các bệnh lý sẵn có. Tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, động kinh, bệnh lý tuyến giáp, các bệnh lý tim hoặc máu, hen suyễn kém kiểm soát và nhiễm trùng đều gây ảnh hưởng đến thai kỳ
Các biến chứng trong thai kỳ. Các biến chứng khi mang thai có thể làm thai kỳ của bạn trở thành thai kỳ nguy cơ cao. Ví dụ như vị trí bánh nhau bất thường, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, mẹ nhóm máu Rh (-) và thai mang Rh (+)
Mang đa thai. Nguy cơ trong thai kỳ cao hơn ở những phụ nữ mang song thai hoặc đa thai
Tiền sử sản khoa. Nếu bạn có các vấn đề trong thai kỳ trước như tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non… bạn sẽ có nhiều nguy cơ gặp lại các vấn đề đó trong lần mang thai này
Các bước giúp có thai kỳ khỏe mạnh
Khám tiền sản. Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai, hãy đi khám tiền sản. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên bắt đầu bổ sung acid folic và các vitamin cần thiết, điều chỉnh các vấn đề về sức khỏe và thảo luận về nguy cơ các rối loạn di truyền mà con bạn có thể mắc.
Khám thai đều. Việc khám thai đều đặn giúp theo dõi sức khỏe của bạn và cả thai nhi.
Các xét nghiệm đặc biệt
Tùy thuộc vào từng trường hợp, Bác sĩ có thể chỉ định:
Siêu âm tầm soát dị tật thai. Loại siêu âm thai này giúp khảo sát, tìm các bất thường trong quá trình phát triển của thai, tùy thuộc từng giai đoạn tuổi thai
Xét nghiệm cfDNA hay cffDNA. Khảo sát DNA của mẹ và thai để sàng lọc, tìm ra nguy cơ bất thường các nhiễm sắc thể nhất định.
Sàng lọc di truyền xâm lấn. Bác sĩ có thể chỉ định chọc ối hay sinh thiết gai nhau (CVS). Chọc ối thường được thực hiện sau tuần thứ 15 của thai kỳ, chọc ối có thể xác định một số bất thường di truyền cũng như các dị tật ống thần kinh. CVS thường được thực hiện từ tuần 10 – 12 của thai kỳ, có thể xác định các tình trạng di truyền nhất định.
Siêu âm chiều dài cổ tử cung. Bác sĩ có thể siêu âm để đo chiều dài cổ tử cung của bạn trong thai kỳ để đánh giá có nguy cơ sinh non hay không.
Các xét nghiệm. Bác sĩ sẽ xét nghiệm nước tiểu để tìm nhiễm trùng đường tiết niệu và xét nghiệm máu để sàng lọc bạn các bệnh truyền nhiễm như HIV và giang mai.
Đánh giá sức khỏe thai. Siêu âm giúp kiểm tra tình trạng sức khỏe của thai nhi. Đánh giá sức khỏe của thai có thể chỉ gồm siêu âm thai hoặc tùy thuộc vào kết quả siêu âm, có thể chỉ định thêm nonstress test
Một số xét nghiệm chẩn đoán trước sinh – chẳng hạn như chọc ối và sinh thiết gai nhau – có nguy cơ nhỏ gây sảy thai.
Những điều cần biết thêm về thai kỳ nguy cơ cao
Thảo luận với bác sĩ sản khoa về cách quản lý bất kỳ vấn đề nào bạn gặp phải khi mang thai và sức khỏe của bạn ảnh hưởng như thế nào đến quá trình chuyển dạ và sinh con. Khám bác sĩ ngay nếu bạn có một trong các triệu chứng :
Chảy máu âm đạo hoặc ra nước âm đạo
Đau đầu dữ dội
Đau hoặc cảm giác co thắt vùng bụng dưới
Thai giảm cử động.
Đau hoặc rát khi đi tiểu
Thay đổi thị lực, bao gồm mờ mắt
Phù mặt, bàn tay hoặc ngón tay
Sốt hay ớn lạnh
Nôn mửa hoặc buồn nôn dai dẳng
Chóng mặt
Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé của bạn
Một thai kỳ nguy cơ cao sẽ có những khó khăn và căng thằng. Cố gắng để giữ tinh thần lạc quan khi bạn làm theo các bước giúp có thai kỳ khỏe mạnh và hãy theo dõi sát trong suốt thai kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa sản.