MENU

THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Chuyên mục: Bác sĩ sản khoa tư vấn sức khỏe sinh sản

Bài viết được dịch & đăng tải bởi Ths Bác sĩ Lê Như Ngọc – Phòng khám Sản Phụ khoa 28 Hải Phòng, TP. Đà Nẵng. 

Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một trong những phương pháp hỗ trợ sinh sản (ART), bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp bên ngoài cơ thể tạo thành phôi thai. Sau đó, phôi được chuyển vào tử cung của người phụ nữ hoặc có thể trữ đông để bảo quản.

Tùy thuộc vào tình trạng của bạn, IVF có thể sử dụng:

  • Trứng của bạn và tinh trùng của chồng bạn
  • Trứng của bạn và tinh trùng hiến tặng
  • Trứng hiến tặng và tinh trùng của chồng bạn
  • Trứng hiến tặng và tinh trùng hiến tặng
  • Phôi hiến tặng

Bác sĩ cũng có thể cấy phôi vào cơ thể người mang thai hộ.

Tỷ lệ thành công của IVF khác nhau. Theo Hiệp hội Thai kỳ Mỹ (American Pregnancy Association), tỷ lệ thành công của IVF ở phụ nữ dưới 35 tuổi là 41 – 43%. Tỷ lệ này giảm xuống còn 13-18% đối với phụ nữ trên 40 tuổi.

Tại sao phải thực hiện IVF ?

IVF tốn kém và xâm lấn, vì vậy các cặp vợ chồng thường được áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác trước, gồm thuốc hỗ trợ sinh sản hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung…

Một số vấn đề hiếm muộn vô sinh có thể cần thực hiện IVF gồm:

  • Giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ trên 40 tuổi
  • Ống dẫn trứng bị tắc hoặc hư hỏng
  • Suy giảm chức năng buồng trứng
  • Lạc nội mạc tử cung
  • U xơ tử cung
  • Vô sinh nam, chẳng hạn như số lượng tinh trùng ít hoặc bất thường về hình dạng tinh trùng
  • Vô sinh không rõ nguyên nhân

Các cặp bố mẹ cũng có thể chọn IVF nếu họ có nguy cơ truyền rối loạn di truyền cho con cái. Các phôi thai sẽ được kiểm tra để tìm các bất thường về gen, sau đó chọn những phôi khỏe mạnh để cấy ghép.

Cần chuẩn bị gì cho IVF?

Trước khi bắt đầu IVF, người phụ nữ sẽ được xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng, bao gồm lấy mẫu máu và kiểm tra nồng độ hormone FSH. Kết quả xét nghiệm sẽ cung cấp cho bác sĩ thông tin về kích thước và chất lượng trứng của bạn.

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tử cung bằng cách siêu âm tử cung sử dụng đầu dò âm đạo. Siêu âm cho phép đánh giá tử cung và giúp bác sĩ xác định cách tốt nhất để cấy phôi.

Nam giới thì cần xét nghiệm tinh trùng đồ để đánh giá số lượng, kích thước và hình dạng của tinh trùng. Nếu tinh trùng yếu hoặc bị hư hỏng, có thể cần thực hiện một thủ thuật gọi là tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). ICSI có thể là một phần của quy trình IVF.

Chọn lựa phương pháp IVF có thể là một quyết định mang tính cá nhân. Có một số yếu tố cần phải cân nhắc bao gồm:

  • Bạn sẽ làm gì với những phôi chưa sử dụng?
  • Bạn muốn chuyển bao nhiêu phôi? Chuyển càng nhiều phôi thì nguy cơ đa thai càng cao. Hầu hết các bác sĩ sẽ không chuyển nhiều hơn hai phôi.
  • Bạn cảm thấy thế nào về khả năng mang song thai, sinh ba hoặc đa thai?
  • Các vấn đề pháp lý và tình cảm liên quan đến việc sử dụng trứng, tinh trùng hay phôi hiến tặng hoặc người mang thai hộ?
  • Những căng thẳng về tài chính, thể chất và cảm xúc liên quan đến IVF là gì?

Quy trình thực hiện IVF như thế nào?

Bao gồm 5 bước:

  • Kích trứng
  • Chọc hút trứng
  • Thụ tinh trong ống nghiệm
  • Nuôi cấy phôi
  • Chuyển phôi

B1. Kích thích buồng trứng

Một người phụ nữ thông thường chỉ rụng một quả trứng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, IVF đòi hỏi phải có nhiều trứng. Sử dụng nhiều trứng làm tăng cơ hội tạo thành phôi thai nên bạn sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng để tăng số lượng trứng. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm thường xuyên để theo dõi quá trình rụng trứng và thời điểm khi nào cần lấy trứng.

B2. Lấy trứng

Lấy trứng được gọi là chọc hút nang trứng. Đó là một quy trình được thực hiện dưới gây mê. Bác sĩ sẽ dùng một cây kim chọc hút dưới hướng dẫn của đầu dò siêu âm để dẫn qua âm đạo, vào buồng trứng và vào nang trứng. Kim sẽ hút trứng và dịch ra khỏi từng nang trứng.

B3. Thụ tinh trong ống nghiệm

Bước này cần dùng đến mẫu tinh dịch. Kỹ thuật viên sẽ để tinh trùng với trứng hòa lẫn trong một đĩa petri. Nếu phôi không được tạo thành, bác sĩ có thể quyết định dùng phương pháp ICSI.

B4. Nuôi cấy phôi

Trứng đã thụ tinh sẽ được theo dõi sát quá trình phân chia và phát triển. Các phôi có thể được kiểm tra các bất thường di truyền trong giai đoạn này.

B5. Chuyển phôi

Khi phôi đủ lớn, chúng sẽ được cấy vào buồng tử cung, thường 3-5 ngày sau khi thụ tinh. Quy trình chuyển phôi dùng một ống nhỏ gọi là catheter đưa vào âm đạo, qua cổ tử cung và vào tử cung. Sau đó, bác sĩ sẽ thả phôi vào trong tử cung của bạn.

Quá trình mang thai xảy ra khi phôi làm tổ trong thành tử cung. Quá trình này có thể mất từ ​​6 – 10 ngày. Xét nghiệm máu sẽ giúp xác định xem bạn có mang thai hay không

Các biến chứng liên quan đến IVF là gì?

Như với bất kỳ thủ thuật y khoa nào, có những rủi ro liên quan đến IVF. Các biến chứng bao gồm:

  • Mang đa thai, làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân và sinh non
  • Sẩy thai
  • Thai ngoài tử cung (khi phôi làm tổ bên ngoài tử cung)
  • Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS)
  • Xuất huyết, nhiễm trùng hoặc tổn thương ruột hoặc bàng quang (hiếm gặp)

Ths.Bs Lê Như Ngọc

Phòng khám Sản Phụ Khoa – Ths.Bs Lê Như Ngọc

  • Địa chỉ: 28 Hải Phòng – TP Đà Nẵng. ĐT : 0927599711
  • Fanpage : https://www.facebook.com/SanPhuKhoa.LeNhuNgoc

Nguồn: https://www.healthline.com/health/in-vitro-fertilization-ivf

Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.

Tìm bác sĩ tại các Tỉnh – Thành phố

Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng … 

Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.

Trân trọng cảm ơn quý khách !

Admin: Nguyen Hai Quoc – Email: khamdinhkydanang@gmail.com

XÉT NGHIỆM ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG SINH SẢN Ở PHỤ NỮ

Ẩn quảng cáo